Mẫu đơn tố cáo chiếm đoạt đất đai & Quy định cần biết
Mẫu đơn tố cáo chiếm đoạt đất đai áp dụng trong trường hợp nào? Người dân cần biết những quy định gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân?
Tranh chấp đất đai là loại tranh chấp phức tạp và cũng không kém phần đa dạng. Có những mâu thuẫn phát sinh thuộc về lĩnh vực hành chính, dân sự, nhưng cũng có xung đột cần được nhìn nhận ở góc độ hình sự, tùy vào mức độ và tính chất của tranh chấp.
Trong các tranh chấp thuộc lĩnh vực đất đai, để yêu cầu giải quyết mâu thuẫn xảy ra, người dân có thể sử dụng phương thức hòa giải tranh chấp đất đai, khiếu nại tranh chấp đất đai hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền. Ngoài ra, người dân bị xâm phạm về quyền, lợi ích hợp pháp hoàn toàn có thể gửi đơn tố cáo, trình bày rõ hành vi của người có hành vi vi phạm để cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin chi tiết hơn về mẫu đơn, thủ tục tố cáo và hành vi chiếm đoạt đất đai.
Làm rõ các khái niệm “tố cáo”, “chiếm đoạt đất đai”
Tố cáo là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2018: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Chiếm đoạt đất đai là gì?
Theo tinh thần của Luật Đất đai 2013, chiếm đoạt đất đai là một trong những hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm tại điều 12. Chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quản lý của người khác vào phạm vi sở hữu của mình.
Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ, chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc trong các trường hợp sau đây:
- Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
- Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
- Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
- Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chiếm đoạt đất đai có thể hiểu là cách hành vi lấn đất, chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất thuộc quyền quản lý, sở hữu của người khác vào phạm vi sở hữu của mình, trái với quy định của pháp luật.
Nguyên tắc giải quyết tố cáo chiếm đoạt đất đai
Điều 4 Luật tố cáo quy định về các nguyên tắc chung khi giải quyết tố cáo
- Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật.
- Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
Theo đó, mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan khi tham gia giải quyết tố cáo hoặc tố cáo phải thực hiện đúng theo quyền hạn, nghĩa vụ của mình, trên cơ sở tôn trọng tinh thần của luật pháp.
Những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8 Luật tố cáo)
- Có hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với việc thực hiện quyền tố cáo của công dân.
- Cá nhân, cơ quan có thẩm quyền thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo.
- Làm lộ những thông tin về tên, địa chỉ, bút tích hoặc bất kỳ thông tin khác của người tố cáo.
- Làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình giải quyết tố cáo.
- Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người bị tố cáo.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
- Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết tố cáo.
- Cản trở việc thực hiện quyền tố cáo; đe doạ, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.
- Bao che người bị tố cáo.
- Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo.
- Mua chuộc, hối lộ người giải quyết tố cáo; đe doạ, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.
- Lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
- Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo.
Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo:
- Tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra;
- Bảo đảm an toàn cho người tố cáo; xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với người giải quyết tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo thẩm quyền; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật theo kết luận nội dung tố cáo; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.
Người tố cáo có quyền và nghĩa vụ gì?
Người tố cáo cần biết rõ quyền, nghĩa vụ của mình để thực hiện, nhằm tự bảo vệ cho chính mình đồng thời tuân thủ đúng nguyên tắc về tố cáo.
Người tố cáo có các quyền sau đây:
- Thực hiện quyền tố cáo theo quy định
- Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
- Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;
- Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;
- Rút tố cáo;
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;
- Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp thông tin cá nhân, gồm: ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan
- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;
- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Ngoài quyền được tố cáo, người tố cáo cũng có các nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến nội dung tố cáo của mình. Vì vậy, mọi sự tố cáo phải trung thực, dựa trên mâu thuẫn có thật, không tự ý phóng đại hay trình bày sai. Người tố cáo cũng là một “mắt xích” quan trọng trong việc giải quyết tố cáo.
Trình tự, thủ tục tố cáo
Việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:
1. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;
2. Xác minh nội dung tố cáo;
3. Kết luận nội dung tố cáo;
4. Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo;
5. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác.
Việc tố cáo có thể bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp
Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.
Hồ sơ cần chuẩn bị để nộp kèm đơn tố cáo:
- Sổ hộ khẩu người tố cáo (bản sao y);
- Chứng minh nhân dân người tố cáo (bản sao y);
- Các bằng chứng về hành vi chiếm đoạt đất đai (video, tin nhắn đe dọa, hình ảnh kèm theo, người làm chứng,…);
- Văn bản thể hiện tình trạng hiện tại của tài sản bị ảnh hưởng do hành vi chiếm đoạt đất đai gây ra (giá trị, mức độ tổn thất,…)
- Chữ ký xác nhận của các hộ gia đình lân cận, hàng xóm láng giềng, cơ quan chức năng (UBND huyện/phường, xã,…) xác thực cho việc tồn tại hành vi chiếm đoạt đất đai.
Mẫu đơn tố cáo chiếm đoạt đất đai
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…………., ngày … tháng… năm 20.…
ĐƠN TỐ CÁO
(Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt đất đai của …… )
Kính gửi: - Công an Nhân dân Quận/Huyện [...]
- Viện kiểm sát [...]
Họ và tên tôi: [...] Sinh ngày: [...]
Chứng minh nhân dân số: [...]
Ngày cấp: [...] Nơi cấp: [...]
Hộ khẩu thường trú: [...]
Chỗ ở hiện tại: [...]
Tôi làm đơn này tố cáo và đề nghị Quý cơ quan tiến hành điều tra, khởi tố hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của:
Ông/bà: [...] Sinh ngày: [...]
Chứng minh nhân dân số: [...]
Ngày cấp: [...] Nơi cấp: [...]
Hộ khẩu thường trú:[...]
Chỗ ở hiện tại:[...]
Vì ông/bà [...] đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt đất đai của tôi gồm: [...]
Sự việc cụ thể như sau: [...]
Từ những sự việc trên, có thể khẳng định ông/bà [...] đã có hành vi gian dối lợi dụng niềm tin nhằm mục đích chiếm đoạt đất đai nói trên.
Qua thủ đoạn và hành vi như trên, ông/bà [...] đã chiếm đoạt là có giá trị là [...] triệu đồng của tôi.
Hành vi của ông/bà [...] có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt đất đai” – quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 tại khoản … Điều 174 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể được quy định như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …”
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nay tôi viết đơn này tố cáo ông/bà [...] Kính đề nghị Quý cơ quan giải quyết cho những yêu cầu sau đây:
– Xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử ông/bà [...] về hành vi lừa đảo chiếm đoạt đất đai.
– Buộc ông/bà [...] phải trả lại tiền cho tôi.
Tôi cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên.
Kính mong được xem xét và giải quyết. Xin chân thành cảm ơn.
Người tố cáo
(ký và ghi rõ họ tên)
Gửi đơn tố cáo đến cơ quan nào?
Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định
"Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm."
Theo đó, mỗi cơ quan sẽ có thẩm quyền đối với việc tố giác khác nhau:
- Cơ quan điều tra giải quyết tố giác theo thẩm quyền điều tra của mình;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, theo thẩm quyền điều tra của mình;
- Viện kiểm sát giải quyết tố giác trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà
- Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
Chiếm đoạt đất đai bị xử lý như thế nào
Nếu nội dung tố cáo là đúng sự thật, sau khi giải quyết tố cáo kết luận hành vi vi phạm của người bị tố cáo thì tùy vào mức độ vi phạm, sẽ áp dụng các hình thức xử lý như sau.
Điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội chiếm đoạt đất đai có thể phải chịu các mức hình phạt
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
- Đối với trường hợp lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, đối với trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây
- Có tổ chức
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, tòa án còn có thể xem xét các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt phù hợp cho cá nhân vi phạm.
Điều kiện cấu thành tội phạm của tội chiếm đoạt đất đai
Lưu ý, không phải trường hợp tố cáo nào, xét thấy có dấu hiệu vi phạm cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Cơ quan có thẩm quyền sẽ cân nhắc các yếu tố cấu thành tội phạm để đưa ra quyết định.
- Chủ thể: người nào có năng lực trách nhiệm hình sự
- Khách thể: Hành vi phạm tội chiếm đoạt đất đai xâm phạm đến chế độ quản lý và sử dụng đất đai của nhà nước
- Mặt chủ quan của tội phạm: người thực hiện hành vi chiếm đoạt đất đai với lỗi cố ý
- Mặt khách quan của tội phạm: thực hiện một trong các hành vi lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai:
- Lấn chiếm đất: tự ý chuyển dịch cột mốc giới, ranh giới đất đai sang đất người khác hoặc đất sử dụng cho mục đích công cộng (đất không thuộc quyền sử dụng của mình) để mở rộng phần diện tích cho mình. Trường hợp nhà nước tạm giao hoặc cho mượn nhưng sau đó không trả lại hay bất kỳ hành vi sử dụng đất người khác, đất công cộng khi chưa được cho phép cũng là lấn chiếm đất.
- Chuyển quyền sử dụng đất trái quy định: thực hiện hành vi chuyển quyền sử dụng đất (bao gồm: chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn) cho người khác khi không đủ điều kiện hoặc thuộc trường hợp bị cấm.
- Sử dụng đất trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai: pháp luật có các quy định về quản lý và sử dụng đất, được giám sát thực hiện nghiêm ngặt nhưng cá nhân, tổ chức không tuân thủ.
Tuy nhiên, các hành vi trên phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nếu không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm hình sự thì người có hành vi chiếm đoạt đất đai có thể bị: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở" theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi lấn, chiếm đất.
Đồng thời, người có hành vi lấn, chiếm đất còn bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi vi phạm.
Trên đây là mẫu đơn tố cáo chiếm đoạt đất đai để bạn đọc tham khảo. Ngoài ra, nên tìm hiểu các quy định về tố cáo và chiếm đoạt đất đai để hiểu rõ tính chất của tranh chấp.
Xem thêm: