Giải thích một số loại ký hiệu đất đai thường gặp (Chi tiết)

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Tổng hợp một số ký hiệu đất đai thường gặp trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai.

Ở bài viết này, chúng tôi cập nhật các thông tin mang tính tổng hợp về một số loại đất và ký hiệu của chúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, tác động đến đa ngành, đa lĩnh vực,... Việc quản lý, sử dụng đất được giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho quỹ đất. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình tìm hiểu, phổ cập các quy định pháp luật về đất đai cho người dân chưa thực sự hiệu quả. Điều này dẫn đến trường hợp nhiều cá nhân không tự mình bảo vệ được quyền lợi, đồng thời chưa có ý thức thực hiện nghĩa vụ của mình.

Các loại ký hiệu đất đai

Cùng theo dõi bài viết để trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết về phân loại đất đai, ký hiệu đất đai theo quy định hiện hành.

Đất DCS là gì? BCS là đất gì?

Theo quy định, DCS là ký hiệu của đất đồi núi chưa sử dụng, còn BCS là đất bằng chưa sử dụng, thuộc nhóm đất chưa sử dụng tại Khoản 3 Điều 10 Luật Đất đai 2013.

Khoản 1 Điều 58 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai 2013: “Đất chưa sử dụng gồm đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây.”

Cụ thể các quy định về đất chưa sử dụng, bạn đọc tham khảo tại: Đất chưa sử dụng & tất tần tật điều cần biết (Luật mới nhất)

Đất LUC là gì?

LUC là ký hiệu của đất trồng lúa nước. Theo điểm a Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, loại đất này thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Tham khảo bài viết chi tiết về đất trồng lúa:

Việc sử dụng, bảo vệ đất trồng lúa là nội dung có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo an sinh, an toàn xã hội. Vì vậy mà Nhà nước rất quan tâm đến việc quản lý chặt chẽ, đầu tư cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng. Theo đó, áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về tài chính cho người sử dụng đất trồng lúa.

  • Nhà nước thực hiện việc giao đất không thu tiền, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người trồng lúa. Các quy định này thông qua nhiều lần thay đổi, điều chỉnh luật đất đai vẫn được giữ lại và phát triển theo hướng hoàn thiện hơn.Thực tế, điều này không chỉ đơn thuần là bảo vệ quỹ đất trồng lúa mà còn là cơ sở để đảm bảo chính sách kinh tế - xã hội của nhà nước.
    • Nhà nước giao không thu tiền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong hạn mức (Điều 54 Luật Đất đai năm 2013).
    • Đối với hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số thì Nhà nước còn thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nông nghiệp bao gồm đất trồng lúa (Điều 110 Luật Đất đai năm 2013).
  • Áp dụng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thông qua những chính sách này có thể thấy, đất trồng lúa so với các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp khác được nhà nước “ưu ái”, miễn giảm thuế phổ biến hơn. Người sử dụng đất trồng lúa theo điều 166 Luật Đất đai 2013 được hưởng toàn bộ thành quả lao động, Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu toàn dân chỉ hưởng một phần lợi ích nhất định. Trong đó có:
    • Các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa thuộc trường hợp:
    • Được Nhà nước giao trong hạn mức giao đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp;
    • Đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển QSDĐ trong hạn mức.
    • Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, là nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
    • Các hộ, gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng cây hằng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm đối với diện tích đất không giới hạn.
  • Hỗ trợ bằng tiền cho người dân khi sử dụng và phát triển đất trồng lúa. Nghị định số 35/2015/NĐ-CP quy định:
    • Nhà nước hỗ trợ có chủ đích nhằm phát triển sản xuất theo hai hướng:
    • Đầu tư phát triển sản xuất trực tiếp (mua giống mới, tiến bộ kỹ thuật);
    • Đầu tư phát triển hoạt động hỗ trợ sản xuất lớn thông qua tổ chức sản xuất và tổ chức thị trường tiêu thụ nông sản.
    • Trao cho UBND cấp tỉnh phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ, trong đó có phân bổ hỗ trợ người nông dân sử dụng đất trồng lúa.
  • Thực hiện chính sách “khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” và “khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng” theo Điều 9 và Điều 164 Luật Đất đai 2013. Theo đó, nhà nước hỗ trợ với từng trường hợp:
    • Hỗ trợ 10.000.000 (mười triệu) đồng/ha đất trồng lúa được khai hoang, cải tạo (trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hoang)
    • Hỗ trợ 5.000.000 (năm triệu) đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác.

Đối với các nhà đầu tư, Nhà nước cũng có các chính sách về tài chính nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội trong một số trường hợp:

  • Áp dụng mức nộp tiền sử dụng đất 100% tiền sử dụng đất theo giá của loại đất sau khi chuyển mục đích và bằng mức chênh lệch giữa tiền SDĐ tính theo giá đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất trừ (-) tiền sử dụng đất tính theo giá đất của loại đất trước khi chuyển mục đích; đối với trường hợp nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa sang đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa có mục đích kinh doanh thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất.
  • Trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng QSDĐ hợp pháp để thực hiện dự án đầu tư và chuyển mục đích sử dụng đất như trên thì giá đất làm căn cứ tính thu tiền sử dụng đất được xác định theo phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
  • Ngoài nghĩa vụ tài chính nêu trên, nhà đầu tư phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa trong trường hợp họ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước. Mức thu do UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng là “mắt xích” quan trong đối với việc quản lý, giữ gìn và phát triển, bảo vệ đất trồng lúa. Đây cũng là chủ thể được nhà nước áp dụng các chính sách hỗ trợ:

  • Nhà nước chi ngân sách với mức 1.000.000 (một triệu) đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 500.000 (năm trăm ngàn) đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác. Địa phương được hỗ trợ theo diện tích đất trồng lúa của mình.
  • Chính quyền địa phương được tự chủ quyết định việc sử dụng kinh phí hỗ trợ phục vụ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa:
  • Lập quy hoạch, lập bản đồ đất lúa;
  • Xác định chất lượng và cải tạo năng lượng đất;
  • Khai hoang, phục hóa đưa đất vào trồng lúa;
  • Xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa...

Đất LUC

RSX là đất gì?

RSX là ký hiệu của Đất rừng sản xuất, thuộc nhóm đất nông nghiệp theo phân loại tại điều 10 Luật Đất đai 2013.

Đất rừng sản xuất gồm 2 loại chính:

  • Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên: rừng tự nhiên được tái sinh bằng cách tự nhiên
  • Đất rừng sản xuất là rừng trồng: rừng trồng có thể sử dụng vốn của ngân sách Nhà nước hoặc vốn của chủ sở hữu

Theo quy định hiện hành, đất rừng sản xuất được sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh lâm sản, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp với mục đích phòng hộ, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái nói chung. Loại đất này cũng được phép chuyển mục đích sử dụng theo nhu cầu dưới sự cho phép của Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền.
Chế độ sử dụng đất đối với đất rừng sản xuất RSX

Pháp luật hiện hành chia thành 02 trường hợp như sau:

Chế độ sử dụng đối với đất rừng tự nhiên

  • Khoản 33 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định: đất rừng sản xuất được giao cho các tổ chức quản lý là rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ và phát triển.
  • Đối với cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư đang sinh sống tại khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên nơi chưa có tổ chức quản lý rừng mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Chế độ sử dụng đối với đất rừng trồng

Khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2013 thì Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định sau đây:

  • Đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định giao đất là không quá 30 hecta để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất;
  • Đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;
  • Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất trong các trường hợp trên thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

Xem thêm các nội dung liên quan đến đất rừng sản xuất RSX:

BHK là đất gì?

BHK là ký hiệu của đất bằng trồng cây hàng năm khác, thuộc đất trồng hàng năm khác, nằm trong nhóm đất nông nghiệp dựa trên phân loại tại điều 10 Luật Đất đai 2013.

Theo Thông tư 25/2014/BTNMT, Đất bằng trồng cây hàng năm là đất chuyên sử dụng để trồng những loại cây có thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng cho tới khi thu hoạch không quá 1 năm, kể cả đất sử dụng với mục đích canh tác không thường xuyên, đất cả sử dụng với mục đích chăn nuôi gồm có trồng lúa, đất cỏ dùng chăn nuôi hoặc đất trồng cây hàng năm khác.

>>> Xem thêm:

Đất trồng cây hàng năm khác là gì? Có lên thổ cư được không?

Đất trồng cây hàng năm khác đất trồng cây lâu năm như thế nào?

Thời hạn sử dụng đất BHK

Điều 125, 126 Luật Đất đai 2013 quy định về 2 trường hợp sử dụng đất BHK gồm: đất sử dụng ổn định lâu dài (phần lớn là do cộng đồng dân cư sử dụng) và đất sử dụng có thời hạn.

  • Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 50 năm. Khi hết thời hạn, nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn.
  • Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, nếu có nhu cầu thì được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.
  • Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.
  • Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất không quá 70 năm.

Tách thửa đối với đất BHK

Pháp luật hiện hành không ngăn cấm việc tách thửa đối với đất bằng trồng cây hàng năm khác. Tuy nhiên, tương tự như các loại đất khác, việc tách thửa phải phù hợp với tinh thần chung của luật, thực tiễn tại địa phương, tránh các trường hợp tách thửa vì mục đích trục lợi bất chính, khiến quỹ đất bị sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến quy hoạch chung.

Vì vậy, để tách thửa đối với đất BHK, cần đáp ứng được các điều kiện:

  • Thứ nhất, có cơ sở chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp, nghĩa là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ liên quan theo luật định.
  • Thứ hai, đảm bảo được hiện trạng sử dụng đất. Đất sau khi tách thửa vẫn là đất BHK, sử dụng đúng mục đích. Nếu muốn đổi mục đích, cần phải xin phép và đối chiếu với quy hoạch tại địa phương.
  • Thứ ba, đáp ứng được điều kiện đặc thù của địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ có những quy định khác nhau về diện tích tối thiểu, trường hợp thửa đất không đảm bảo yêu cầu về diện tích sẽ không thể đăng ký biến động sau khi tách thửa.

Thế chấp đất BHK được không?

Điều 188, Luật Đất đai 2013 quy định về việc thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

  • Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện nhưng chưa làm thủ tục cấp;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Còn thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, theo quy định thì đất BHK hoàn toàn có thể dùng làm tài sản để thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng. Tuy nhiên, giá trị khoản vay dựa trên sự định giá của ngân hàng. Theo đó, đất BHK thường không có giá trị giao dịch quá cao như đất thổ cư.

Đất TMD

Đất TMD là gì?

TMD là ký hiệu của đất thương mại dịch vụ, thuộc nhóm đất phi nông nghiệp theo điều 10 Luật Đất đai 2013. Loại đất này sử dụng vào các mục đích: xây dựng cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ hoặc xây dựng các công trình khác nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ.

Trong bối cảnh hiện nay, đất thương mại dịch vụ không chỉ đơn thuần là một trong các loại đất được pháp luật thừa nhận, có các quy định về quản lý, sử dụng; loại đất này còn đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nhà nước định hướng dịch vụ du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, cần đẩy mạnh sự quan tâm và ưu tiên cho các công trình phục vụ cho nhu cầu trải nghiệm, nghỉ dưỡng của người dân. Số lượng nhà đầu tư bước chân vào lĩnh vực này ngày càng đông, kéo theo sự tăng dần lên của quỹ đất sử dụng cho mục đích thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, khi càng sôi động thì các quy định pháp luật càng phải được thắt chặt.

Đất thương mại dịch vụ có những đặc điểm gì?

  • Diện tích đất thương mại dịch vụ cho từng hạng mục công trình có thể không quá lớn nhưng luôn có vị trí đẹp, thuận tiện về giao thông, gần những khu vực tiềm năng về dân cư.
  • Nằm gần các khu đô thị, có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình kinh doanh khác nhau.
  • Cá nhân hoặc hộ gia đình được giao sử dụng đất thương mại dịch vụ không cần nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
  • Đất thương mại dịch vụ được sử dụng lâu dài, vẫn có thể được cấp giấy CNQSDĐ và được phép xây nhà cao tầng để ở hoặc kinh doanh (Khoản 4, Điều 125 Luật Đất đai 2013)

Phân loại đất thương mại dịch vụ

Hiện nay, đất thương mại dịch vụ được chia thành 02 loại, bao gồm:

  • Đất thuộc quỹ đất cộng đồng, đấu thầu ở những khu vực công cộng như: chợ, bến xe,...
  • Đất được cấp từ việc thu hồi đất nông nghiệp

Ngoài ra, còn một số khái niệm khác như đất dịch vụ 5%, đất dịch vụ 7%, đất dịch vụ 10%,... Ý nghĩa đằng sau những tên gọi này là gì? Thực tế, đây là cách gọi dựa trên tỷ lệ bồi thường hoặc giao đất theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Các quy định hiện có về đất đai trong hệ thống các quy định pháp luật không đề cập đến những khái niệm này nhưng người dân vẫn sử dụng khá phổ biến.

  • Đất thương mại dịch vụ 10%: có nghĩa là cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất sẽ được đền bù bằng 10% diện tích đất bị thu hồi theo quy định ở từng địa phương.
  • Đất dịch vụ 5%, đất dịch vụ 7%: mỗi địa phương sẽ được lập quỹ đất nông nghiệp phục vụ cho công ích là bằng hoặc trên 5% tùy theo quỹ đất của phường, xã, thị trấn (theo quy định tại Điều 132, Luật đất đai 2013).

>>> Tham khảo thêm:

Một số loại ký hiệu đất đai thường gặp để bạn đọc tham khảo. Đừng quên cập nhật các quy định mới để sử dụng có hiệu quả quỹ đất cũng như thực hiện đúng nghĩa vụ, bảo đảm lợi ích của chính mình.

Xem thêm: