Đơn khiếu nại tranh chấp đất đai & Thủ tục cần biết
Đơn khiếu nại tranh chấp đất đai là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết các xung đột, mâu thuẫn về đất đai.
Đối với tranh chấp đất đai nói chung, người dân có nhiều cách để giải quyết, hoặc tự mình thỏa thuận giữa các bên, hoặc hòa giải tại UBND xã hoặc đề nghị lên các cấp cao hơn và khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Tuy nhiên, tranh chấp đất đai vốn khá đa dạng, chủ thể tham gia vào quan hệ tranh chấp có thể là bất kỳ ai, bao gồm cả các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp tranh chấp phát sinh từ các quyết định, hành vi hành chính chưa phù hợp thì người dân cần phải làm gì để có thể bảo vệ quyền lợi cho chính mình?
Khiếu nại là gì?
Trong Hiến Pháp, khiếu nại đã được ghi nhận là một trong những quyền cơ bản của công dân, được đảm bảo thực hiện.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Khiếu nại 2011:
“Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
Luật nêu rõ nguyên tắc: việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời.
Công dân có quyền khiếu nại khi nào?
Với cách giải thích và định nghĩa về khiếu nại theo quy định hiện hành, quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong các trường hợp nhất định. Trên thực tế, khá nhiều người nhầm lẫn giữa khiếu nại, tố cáo và kiến nghị. Về bản chất, nội dung và hình thức của chúng hoàn toàn khác nhau.
Đối với khiếu nại:
- Chủ thể có quyền: Công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức.
- Đối tượng bị khiếu nại:
- Quyết định hành chính.
- Hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
- Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
- Hình thức thực hiện: Khiếu nại trực tiếp hoặc
Như vậy, quyền khiếu nại tranh chấp đất đai được thực hiện khi tranh chấp đó đã được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước giải quyết bằng một quyết định hành chính, hành vi hành chính nhưng một trong các bên tranh chấp không đồng ý với cách giải quyết đó. Điều kiện cần ở đây là phải tồn tại hành vi hành chính, quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước.
Khi thực hiện quyền khiếu nại của mình, công dân cần phải thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ (theo Điều 12 Luật Khiếu nại):
- Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết.
- Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
- Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành.
- Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định:
- Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
- Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Đơn khiếu nại tranh chấp đất đai cần có nội dung gì?
Trong trường hợp không chọn cách khiếu nại trực tiếp mà muốn thể hiện qua đơn, chủ thể thực hiện quyền khiếu nại cần đảm bảo về hình thức và nội dung của đơn khiếu nại được gửi đi.
Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ:
- Ngày, tháng, năm khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
- Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại;
- Yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
- Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Trình tự, thủ tục khiếu nại tranh chấp đất đai
Theo các quy định trong Luật Khiếu nại, việc khiếu nại được thực hiện theo quy trình như sau:
- Bước 1: Chủ thể khiếu nại đến nộp đơn hoặc khiếu nại trực tiếp
- Bước 2: Thụ lý đơn khiếu nại
- Bước 3: Xác minh nội dung trong đơn khiếu nại
- Bước 4: Thông báo giải quyết khiếu nại và tổ chức đối thoại
- Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại và thi hành quyết định.
Nộp đơn khiếu nại ở đâu?
Theo quy định hiện hành, với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại thì đơn khiếu nại phải được gửi đến cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính đó (Áp dụng với khiếu nại lần đầu).
Ngoài ra, còn các trường hợp phát sinh khác:
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án
- Với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng.
- Với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; lần 02 khiếu nại đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực.
Trên đây là những thông tin cần biết về đơn khiếu nại tranh chấp đất đai, bao gồm nội dung, hình thức và cơ quan tiếp nhận để bạn đọc tham khảo.
Xem thêm: