DGD là đất gì? Tất tần tật thông tin cần biết

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

DGD là đất gì? Loại đất này có đối tượng và nguyên tắc, mục đích sử dụng như thế nào theo quy định của pháp luật về đất đai?

Tiếp tục tìm hiểu chi tiết về các loại đất theo ký hiệu đất đai, có thể nói, việc phân loại đất đai theo pháp luật Việt Nam không quá phức tạp, có thể phân theo 6 loại hoặc 3 nhóm chính. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng và quản lý đất đai, có khá nhiều loại đất với tên gọi lạ lẫm với người dân, thậm chí có người đã, đang sử dụng cũng chưa hiểu rõ hết bản chất pháp lý.

Hiểu về các loại đất đóng vai trò rất quan trọng đối với việc sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai của đất nước. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin về đất DGD - loại đất có ý nghĩa quan trọng hiện nay.

Khái niệm đất dgd

DGD là đất gì?

DGD là ký hiệu của Đất cơ sở giáo dục - đào tạo, được sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình phục vụ cho giáo dục.

Theo Điều 6 Thông tư 01/2017/TT-BTNMT, các công trình giáo dục và đào tạo, bao gồm:

  • Nhà trẻ, trường mầm non; trường tiểu học; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường trung học cơ sở; trường trung học cơ sở dân tộc nội trú; trường trung học phổ thông; trường trung học phổ thông dân tộc nội trú;
  • Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trung tâm giáo dục nghề; trường trung cấp nghề;
  • Trường cao đẳng nghề; trường cao đẳng; trường đại học.

Ngoài ra, phần diện tích sử dụng làm ký túc xá cho học sinh sinh viên, nơi bán đồ dùng học tập, nhà hàng, bãi xe, các khu chức năng khác thuộc phạm vi cơ sở giáo dục - đào tạo cũng được tính vào đất DGD.

Điểm d khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 có nội dung như sau:

“2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
…. d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;”

Như vậy, với quy định này, đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo DGD thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, mục đích xây dựng công trình sự nghiệp.

>>> Xem thêm:

Nguyên tắc sử dụng đất DGD

Nguyên tắc sử dụng đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo được thể hiện khá rõ tại Điều 147 Luật đất đai 2013. Cụ thể, khoản 3 điều này quy định:

  • Việc sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, được thuê và phải sử dụng đất đúng mục đích.
  • Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác.
  • Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường.

Hình thức sử dụng đất giáo dục DGD

Đối với đất xây dựng công trình sự nghiệp có các hình thức sử dụng đất được pháp luật về đất đai quy định như sau:

  • Sử dụng theo hình thức cho thuê: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất cho một lần cho cả thời gian thuê đối với tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp (điểm e khoản 1 điều 56 Luật đất đai 2013)
  • Sử dụng theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp (khoản 3 điều 54 Luật đất đai 2013)

Thời hạn sử dụng đất giáo dục - đào tạo

Thời hạn sử dụng đất xây dựng cơ sở giáo dục - đào tạo theo các quy định hiện hành của Luật Đất đai 2013 được xác định dựa trên hình thức sử dụng đất, cụ thể:

  • Đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính được sử dụng đất ổn định lâu dài có thời hạn không quá 70 năm.
  • Thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào các dự án đầu tư là không quá 50 năm.

Định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo

Định mức sử dụng đất theo công trình

định mức đất dgd-1

định mức đất dgd-2

định mức đất dgd-3

Định mức sử dụng đất theo đầu người

định mức đất dgd-4

định mức đất dgd-5

định mức đất dgd-6

Một số câu hỏi liên quan đến việc sử dụng đất DGD

Đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo có chuyển nhượng được không?

Vấn đề này xem giải đáp chi tiết tại: Chuyển nhượng đất giáo dục được không? [Quy định mới nhất]

Chuyển mục đích sử dụng đất giáo dục sang đất ở được không?

Khoản 1 Điều 57 Luật đất đai quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó điểm e có quy định: “Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;”.

Vì vậy, nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất từ đất giáo dục sang đất ở, phải thuộc trường hợp được phép chuyển đổi từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở và bắt buộc phải do cơ quan có thẩm quyền cho phép. Việc chuyển mục đích phải dựa trên cơ sở được quy định tại điều 52 Luật đất đai 2013:

  • Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

>>> Có thể bạn quan tâm:

Chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giáo dục như thế nào?

Tương tự như các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất khác, mọi sự thay đổi đều phải dựa trên các cơ sở, căn cứ do luật định, quan trọng nhất vẫn là quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Nếu có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sang đất giáo dục, người dân hoàn toàn có thể làm hồ sơ yêu cầu để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Hồ sơ xin chuyển mục đích:

  • Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Hồ sơ được nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 61 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013 nêu rõ:

  • Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (gồm thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất) được quy định như sau:
    • Giao đất, thuê đất là không quá 20 ngày không kể thời gian giải phóng mặt bằng;
    • Chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày.
  • Thời gian quy định được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
  • Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định trong thời gian tối đa 03 ngày.
  • Riêng đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện sẽ được tăng thêm 15 ngày.

Các quy định về đất giáo dục đào tạo

Những quy định mới về đất xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo

Đến nay, sau thời gian nghiên cứu, khảo sát và đánh giá thực tiễn, các cơ quan chuyên môn đang dần hoàn thiện khung pháp lý, đưa ra quy định đầy đủ hơn, mang tính bắt buộc nhằm phát triển có định hướng các cơ sở giáo dục đối với quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp. Mặc dù quá trình áp dụng trên thực tế tại các địa phương còn gặp một số vướng mắc, chưa đồng bộ nhưng đây là tín hiệu đáng mừng để việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai một cách hiệu quả, chất lượng.

Phía Bộ Xây dựng cho biết, theo các quy định hiện hành tại các văn bản như:

  • Luật Quy hoạch đô thị năm 2009,
  • Luật Xây dựng năm 2014,
  • Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị,
  • Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng,
  • Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế,

thì UBND các cấp tại địa phương có thẩm quyền trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị. Những chỉ tiêu, tỷ lệ đất dùng để phát triển cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch đều được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD về Quy hoạch xây dựng.

Theo đó, việc phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị là nội dung bắt buộc và đã có hệ thống pháp lý điều chỉnh khá chặt chẽ.

Về các tồn tại khi áp dụng những quy định này, chủ yếu là do sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương về cách hiểu, cách làm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất”. Mục đích của đề án này là xây dựng đồng bộ giữa khu nhà ở, nhà trẻ với các công trình văn hóa, thể thao ở những dự án khu công nghiệp.

Ngoài ra, Luật Quản lý phát triển đô thị cũng đang được Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng xây dựng và trình Quốc hội nhằm tạo ra hành lang định hướng, tăng cường sự đồng bộ về hạ tầng. Đồng thời, khuyến khích địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó quan tâm đến lĩnh vực đầu tư phát triển các công trình hạ tầng xã hội đô thị, bao gồm cơ sở giáo dục.

DGD là đất gì đã được giải đáp khá chi tiết trong bài viết. Không chỉ là loại đất có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đa khía cạnh, đất giáo dục đào tạo còn là một trong những loại đất được quan tâm và mong muốn phát triển có định hướng, khai thác tối ưu giá trị.

Xem thêm: