Đất NKH: Khái niệm, quy định & nhầm lẫn thường gặp

Đánh giá bài viết:   (1 lượt) icon icon
Đánh giá bài viết:   (1 lượt) icon icon

Tổng hợp các thông tin về đất NKH, phân biệt với một số loại đất có ký hiệu tương tự, dễ gây nhầm lẫn.

Trong số các loại ký hiệu đất đai hiện nay, có khá nhiều ký hiệu dễ gần giống nhau, khiến người xem bị lúng túng. Thực ra giữa các loại đất này ít nhiều đều có sự liên quan, tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ, có thể dẫn đến hiểu sai, hiểu chồng chéo với nhau.

NKH cũng là một loại ký hiệu, được quy định dựa trên phân loại đất đai và thống nhất trong các văn bản pháp lý liên quan, giống như đất giáo dục DGD, đất mặt nước MNC, đất trụ sở cơ quan TSC, đất nuôi trồng thủy sản NTS,... Vậy ý nghĩa của ký hiệu NKH là gì, có những ký tự nào khác tương tự?

NKH là đất gì?

Dựa trên các quy định hiện hành, đất NKH là viết tắt của đất nông nghiệp khác, thuộc nhóm đất nông nghiệp tại Điều 10 Luật Đất đai 2013.

Theo đó, đất nông nghiệp khác bao gồm:

  • Đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất;
  • Đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép;
  • Đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
  • Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh;

Khái niệm đất NKH

Các quy định về việc xây dựng trên đất NKH

Đất nông nghiệp khác NKH xây nhà được không?

Trước hết, đất nông nghiệp khác NKH thuộc nhóm đất nông nghiệp. Đất dùng để xây nhà là đất thổ cư. Vì vậy, mục đích sử dụng của 02 nhóm đất này không giống nhau. Do đó, để có thể xây nhà trên đất nông nghiệp khác, cần phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, xin giấy phép xây dựng (nếu thuộc trường hợp cần).

Đất nông nghiệp khác NKH có được cấp sổ đỏ?

Sổ đỏ hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được cấp cho người sử dụng đất nông nghiệp khác. Theo Khoản 5 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, để được cấp giấy chứng nhận, đất nông nghiệp khác NKH phải đáp ứng được các điều kiện:

Thứ nhất, đất nông nghiệp khác phải được sử dụng liên tục vào một mục đích nhất định, tính từ thời điểm sử dụng đất vào mục đích đó đến lúc người sử dụng cho nhu cầu xin cấp sổ đỏ.

Thứ hai, có căn cứ xác định sử dụng đất ổn định, được ghi chép trong các loại giấy tờ do pháp luật quy định.

Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định thủ tục cấp Sổ đỏ cho đất nông nghiệp nói chung, hồ sơ gồm có:

  • Đơn xin cấp Sổ đỏ (theo mẫu).
  • Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Điều 100 của Luật Đất đai (đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất).
  • Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
  • Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính.
  • Giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có)

Đất nông nghiệp khác NKH do nhận thừa kế, tặng cho có được cấp sổ?

Điều 50 Luật đất đai 2013 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có nhắc đến trường hợp:

"Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

… Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất”

Như vậy, nếu đất không có tranh chấp, cung cấp được giấy tờ liên quan về việc thừa kế, tặng cho thì đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có được xây nhà xưởng chế biến nông sản trên đất NKH?

Theo khái niệm về đất nông nghiệp khác và mục đích sử dụng, có thể thấy loại đất này không bao gồm mục đích xây nhà xưởng phục vụ cho việc chế biến nông sản. Việc xây nhà xưởng chế biến nông sản cũng không phù hợp để xếp vào trường hợp xây dựng công trình phục vụ mục đích trồng trọt.

Điểm k Khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 quy định: đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.

Vì vậy, đất dùng để xây nhà xưởng là đất phi nông nghiệp khác. Do đó, theo đúng nguyên tắc, không được xây nhà xưởng trên đất nông nghiệp khác vì sai mục đích. Phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 52 và 57 Luật đất đai 2013 nếu muốn xây nhà xưởng chế biến nông sản.

Một số ký hiệu dễ gây nhầm lẫn

Liên quan đến đất nông nghiệp khác NKH, hiện nay trong hệ thống pháp luật và quy ước viết tắt các loại đất, có một số ký hiệu khá giống với loại đất này, dễ gây lúng túng, là đất HNK và NHK.

HNK là loại đất gì?

HNK là đất là trồng cây hàng năm khác, cũng thuộc nhóm đất nông nghiệp nhưng là loại đất chuyên trồng các loại cây có thời hạn sinh trưởng từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch không quá một năm, chủ yếu để trồng màu, hoa, cây thuốc, mía, đay, gai, cói, sả, dâu tằm, cỏ không dùng trong chăn nuôi.

Đất HNK không có quy định về thời hạn sử dụng đất. Người sử dụng có thể sử dụng, canh tác trên đất cho đến khi địa phương có sự thay đổi về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc xin chuyển mục đích sử dụng.

NHK là loại đất gì?

NHK là ký hiệu của đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác. Phụ lục 1 Thông Tư 27/2018 / TT-BTNMT có giải thích, Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác là đất trồng cây hàng năm khác trên sườn đồi, núi dốc, kể cả trường hợp trồng cây hàng năm khác không thường xuyên nhưng theo chu kỳ.

Giải đáp và 1 số ký hiệu hay nhầm lẫn

Xu hướng đầu tư vào các loại đất nông nghiệp

Trên thực tế, số lượng người tìm mua đất NKH, đất HNK và đất NHK không hề ít, thậm chí trong những cơn sốt đất gần đây, làn sóng này càng trở nên mạnh mẽ, phát triển thành xu hướng.

Có thể thấy, các loại đất này sở hữu ưu điểm là có nguồn cung phong phú, giá bán lại rẻ hơn rất nhiều so với đất thổ cư. Người mua có thể dễ dàng tìm kiếm và thương lượng với mức giá tốt nhất. Ngoài ra, các loại đất này có tiềm năng sinh lời khá lớn, tính thanh khoản tốt, nhất là chọn được ở khu vực đông dân cư, mức độ phát triển kinh tế cao. Thủ tục chuyển đổi mục đích cũng không quá phức tạp nên sau khi hoàn thành có thể mang lại khoản chênh lệch khá lớn.

Tuy nhiên, so với đất thổ cư, các loại đất này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro không kém, dù trước mắt thấy được lợi thế về giá và nguồn cung.

Đất NKH, HNK, NHK thường được bán với diện tích lớn nên số vốn ban đầu bỏ ra không hề nhỏ, phù hợp với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vì sẽ mất thời gian để chuyển mục đích, hoặc nếu không phải có phương án khai thác giá trị phù hợp (trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các mô hình đúng mục đích sử dụng,...).

Người mua phải tìm hiểu kỹ về quy hoạch địa phương vì rất dễ mua phải đất ở khu vực không thể chuyển sang đất ở, lúc này vốn liếng xem như đóng băng. Hoặc rủi ro hơn là đất thuộc khu vực giải tỏa, thu hồi,...

Ngoài ra, lợi nhuận còn phải được tính toán giữa số tiền bỏ ra, chi phí chuyển đổi với mức giá bán ra sau khi lên thổ cư. Sự biến động giá cả trên thị trường ảnh hưởng rất lớn đến khoản chênh lệch mà nhà đầu tư có được.

Trên đây là một vài thông tin, đánh giá về đất NKH để bạn đọc tham khảo, thực hiện đúng nghĩa vụ, tự biết cách bảo vệ quyền lợi. Đồng thời có cái nhìn tổng quan hơn nếu đang có ý định đầu tư vào loại đất này.

Xem thêm: