Đất MNC là gì? Chế độ sử dụng hiện nay như thế nào?
Đất MNC là gì? Pháp luật hiện hành quản lý như thế nào đối với việc sử dụng đất MNC?
Trong phân loại đất theo quy định pháp luật Việt Nam, mỗi nhóm đất lớn lại có những loại đất nhỏ được phân chia. Các loại đất này được thể hiện bằng ký hiệu đất đai trên bản vẽ hoặc tài liệu chuyên môn. MNC là một ký hiệu cũng thường hay được nhắc đến. Tuy nhiên, không quá nhiều người tìm hiểu để biết thật cặn kẽ đây là loại đất gì, chế độ sử dụng và quản lý hiện nay ra sao. Điều này có thể dẫn đến việc sử dụng sai mục đích hoặc quyền, lợi ích bị xâm phạm.
Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh hơn về loại đất MNC.
Đất MNC là gì?
MNC là ký hiệu của đất có mặt nước chuyên dùng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Khái niệm “Đất chuyên dùng”
Hiện tại, trong các quy định về đất đai, chưa có điều khoản nào thể hiện rõ khái niệm đất chuyên dùng là gì. Tuy nhiên, dựa trên tinh thần của luật đất đai 2013, có thể hiểu đơn giản, đất chuyên dùng là loại đất có mục đích sử dụng không phải là lâm nghiệp, nông nghiệp hay đất nhà ở.
>>> Xem thêm:
- Phân biệt đất trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp (Chi tiết)
- Phân biệt đất ở (đất thổ cư) và đất trồng cây lâu năm
- Đất trồng cây hàng năm khác đất trồng cây lâu năm như thế nào?
Theo đó, đất chuyên dùng sẽ bao gồm:
- Đất xây dựng công trình công nghiệp, khoa học kỹ thuật, hệ thống giao thông, hệ thống thuỷ lợi, đê điều;
- Đất sử dụng cho mục tiêu, các công trình văn hoá xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ;
- Đất an ninh quốc phòng;
- Đất dùng cho thăm dò khai thác khoáng sản, đá, cát, đất làm muối, đất làm đồ gốm gạch ngói và các loại vật liệu xây dựng khác;
- Đất di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh;
- Đất nghĩa trang, nghĩa địa, đất có mặt nước phục vụ cho các công trình thuỷ lợi và thuỷ điện.
Như vậy, nếu phân theo mục đích sử dụng thì có 6 loại đất, trong có đó đất chuyên dùng. Nếu phân thành 3 loại, gồm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp thì đất chuyên dùng được xếp vào đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, gọi như vậy nhưng mục đích sử dụng dụng của đất chuyên dùng rất đa dạng.
Những đặc điểm chính của đất chuyên dùng:
- Không được xem như tư liệu sản xuất đặc biệt giống với đất nông nghiệp.
- Chủ thể sử dụng là tổ chức trong nước và nước ngoài; có quyền sử dụng đất và quyền quản lý (được giao)
- Không tồn tại theo kiểu tập trung mà thường xen kẽ với các loại đất khác.
- Về nguyên tắc, việc khai thác và sử dụng đất chuyên dùng phải trả tiền sử dụng đất.
>>> Chi tiết: Đất chuyên dùng là gì? Có được thế chấp không?
Vậy thế nào là đất có mặt nước chuyên dùng MNC?
Đất có mặt nước chuyên dùng chính là đất ở những vùng có ao, hồ, sông, suối, đập thủy điện,... được sử dụng với mục đích sản xuất nông nghiệp trong các quy hoạch. Theo thông tư số 5-TT/LB hướng dẫn việc quản lý, sử dụng đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản quy định: “Đất có mặt nước (gọi tắt là mặt nước) nói trong thông tư này giới hạn trong phạm vi mặt nước nội địa và vùng ven biển, gồm mặt nước đang được sử dụng và mặt nước có khả năng nhưng chưa được sử dụng để chuyên nuôi trồng thuỷ sản, hoặc kết hợp nuôi trồng thuỷ sản".
Theo đó, đất có mặt nước chuyên dùng bao gồm:
Mặt nước được quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để chuyên nuôi trồng thuỷ sản:
- Ao, hồ nhỏ (kể cả mương rạch trong vườn) nằm xen kẽ trong đất khu dân cư và đất chuyên dùng khác.
- Đầm, hồ tự nhiên, sông cụt, ao, đìa... phân bổ xen kẽ trong khu vực chuyên trồng cây nông nghiệp hoặc lâm nghiệp.
- Ruộng trũng đã được cải tạo để chuyên nuôi trồng thuỷ sản.
- Ao, đìa, dầm... có sẵn hoặc được xây dựng để nuôi trồng thuỷ sản thuộc vùng nước lợ, nước mặn ven biển, bãi triều cửa sông…
Mặt nước được quy hoạch để sử dụng vào mục đích khác nhưng có thể kết hợp sử dụng vào nuôi trồng thuỷ sản:
- Đất có hồ chứa nước thủy lợi, sông, đầm, hồ tự nhiên nằm trong hệ thống thủy lợi cung cấp nước phục vụ đời sống của mỗi địa phương, mỗi cơ sở.
- Đất có chứa hồ nước thủy điện cung cấp điện năng.
- Ao đầm hồ nằm trong phạm vi các khu di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Đầm hồ thuộc hệ thống tưới tiêu nước thải của thành phố và khu công nghiệp.
- Đất được quy hoạch với mục đích chuyên dùng khác có liên quan.
Phân loại đất có mặt nước chuyên dùng MNC
Theo tinh thần của Thông tư số 5-TT/LB và Luật Đất đai 2013 hiện nay, đất có mặt nước chuyên dùng MNC được chia thành 03 loại, là đất có mặt nước nội địa, đất có mặt nước ven biển và đất có mặt nước là hồ thủy điện, thủy lợi. Mỗi loại được quy định khác nhau trong việc sử dụng.
Đất có mặt nước nội địa
Sử dụng đất có mặt nước nội địa để nuôi trồng thủy sản là một trong những hướng đi mới hiện nay, nhằm cải thiện kinh tế cho người dân, đồng thời tăng hiệu quả của việc sử dụng đất.
Theo các quy định tại Điều 139, Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013, hướng dẫn bởi Khoản 39, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 01/06/2017 và Điều 47 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ:
Đất có mặt nước nội địa bao gồm:
- Ao, hồ, đầm được Nhà nước giao theo hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.
- Ao, hồ, đầm được Nhà nước cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp.
Thẩm quyền quyết định việc sử dụng đất có mặt nước nội địa:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện cho thuê đất có mặt nước nội địa đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
- Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;
- Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;
- Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;
- Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;
- Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
- Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;
- Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
- Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
- Với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều xã, phường, thị trấn thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
- Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì việc sử dụng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
- Đối với hồ, đầm thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc sử dụng do Chính phủ quy định.
Nguyên tắc sử dụng đất có mặt nước nội địa
- Việc sử dụng đất có mặt nước nội địa thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
- Người được cho thuê đất phải bảo vệ môi trường, cảnh quan và không được làm ảnh hưởng đến mục đích chính của công trình sử dụng đất có mặt nước nội địa.
Ai được giao, cho thuê đất có mặt nước nội địa?
Theo quy định hiện hành, chỉ các đối tượng dưới đây mới được giao, cho thuê đất có mặt nước nội địa:
- Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao ao, hồ, đầm theo hạn mức để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp.
- Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp.
Đất có mặt nước ven biển
Việt Nam có đường bờ biển dài và đẹp với nhiều địa phương ven biển, phát triển mạnh mẽ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Đây được xem là thế mạnh đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế. Đất có mặt nước ven biển tập trung nhiều ở các địa phương này, được người dân sử dụng với mục đích chính là đánh bắt thủy hải sản, làm muối hoặc sản xuất nông nghiệp.
So với đất có mặt nước nội địa, loại đất này yêu cầu cao hơn về tính cụ thể của quy hoạch cũng như công tác cải tạo, biện pháp bảo vệ đất. Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển hiện còn khá tự phát, người dân khi sử dụng tự ý chuyển đổi cơ cấu không theo quy hoạch mà không chú ý đến các yếu tố về môi trường, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên.
Đất có mặt nước ven biển là gì?
Loại đất này được hiểu đơn giản là phần diện tích đất đất có mặt nước nằm ở những vùng ven biển, mục đích sử dụng cho các hoạt động liên quan đến nuôi trồng thuỷ sản, làm muối và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Đối tượng sử dụng và thẩm quyền
Về đối tượng được sử dụng, thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng đất có mặt nước ven biển cũng tương tự như đối với đất có mặt nước nội địa.
Tuy nhiên, có một điểm lưu ý, được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, theo đó, việc cho thuê đất có mặt nước ven biển được thực hiện theo quy định tại Điều 52 và Điều 58 của Luật Đất đai, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, cụ thể:
- Đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển chưa sử dụng được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao, cho thuê; đất có mặt nước ven biển chưa sử dụng được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho thuê để sử dụng vào mục đích nào thì chế độ sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai đối với mục đích đó.
- Đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển không thuộc trường hợp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư thì trước khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản xin ý kiến của các Bộ theo quy định sau đây:
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với khu đất sử dụng tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới;
- Bộ Quốc phòng đối với khu đất sử dụng tại xã, phường, thị trấn ven biển liền kề với khu đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, trừ trường hợp đã xác định khu vực cấm theo quy định;
- Bộ Công an đối với khu đất sử dụng tại xã, phường, thị trấn ven biển liền kề với khu đất sử dụng vào mục đích an ninh.
- Đối với việc thực hiện các dự án đầu tư sử dụng mặt nước biển trong khu vực biển từ 03 hải lý trở ra theo quy định thì tính từ đường mép nước biển thấp nhất tính trung bình nhiều năm thì thẩm quyền cho thuê mặt biển thực hiện theo quy định của pháp luật về biển.
Nguyên tắc sử dụng đất có mặt nước ven biển
Luật Đất đai 2013 quy định, Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển phải tuân theo các nguyên tắc:
- Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Bảo vệ đất, làm tăng sự bồi tụ đất ven biển;
- Bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và cảnh quan;
- Không cản trở việc bảo vệ an ninh quốc gia và giao thông trên biển.
Hồ sơ thuê đất có mặt nước ven biển
Một hồ sơ dùng để xin thuê đất có mặt nước ven biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản cần có:
- Đơn xin thuê mặt nước ven biển để nuôi trồng thủy sản (đi kèm đơn có bản trích đo, trích lục sơ đồ, bản đồ vị trí khu mặt nước xin thuê).
- Báo cáo dự án khả thi nuôi trồng thủy sản được Chi cục thủy sản thẩm định;
- Bản thuyết minh về năng lực kỹ thuật nuôi trồng thủy sản;
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thuỷ sản và kế hoạch bảo vệ môi trường (hoặc cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường);
Hồ sơ được nộp về Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản.
Đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện, hồ thủy lợi
Quy định về loại đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện, thủy lợi được bổ sung tại khoản 39 điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Cụ thể về thẩm quyền và nguyên tắc khai thác, sử dụng loại đất có mặt nước này như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho thuê đất có mặt nước là hồ thủy điện, thủy lợi để kết hợp sử dụng với mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản theo thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật đất đai 2013.
- Việc khai thác, sử dụng đất có mặt nước là hồ thủy điện, thủy lợi vào mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định và phải tuân theo quy định của các pháp luật khác có liên quan.
- Thời hạn cho thuê đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện, hồ thủy lợi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất quyết định nhưng không quá 50 năm.
Thời hạn cho thuê đất có mặt chuyên dùng MNC
Theo Thông tư 02/2015/TT-BTNMT
- Thời hạn cho thuê đất có mặt nước ven biển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất quyết định căn cứ vào:
- Nhu cầu sử dụng đất của người thuê đất thể hiện trong dự án đầu tư,
- Đơn xin thuê đất nhưng phải đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện quy hoạch,
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và quy hoạch ngành có liên quan (nếu có) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Thời hạn cho thuê đất không quá 50 năm. Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm.
- Khi hết thời hạn thuê đất, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn thuê đất quy định.
Trên đây là những giải đáp cụ thể cho đất MNC là gì. Hiện nay có các quy định chi tiết mà chúng ta ít để ý đến, dẫn đến việc sử dụng và quản lý không đạt được hiệu quả tốt nhất. Đất có mặt nước chuyên dùng MNC cũng tương tự như vậy, những phân loại nhỏ bên trong của loại đất này đều có những nguyên tắc riêng biệt.
Xem thêm: