Đất ĐRM là đất gì? Có được chuyển đổi mục đích không?
Giải đáp đất ĐRM là đất gì, các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng đối với loại đất này.
Việc tìm hiểu về đất DTT, đất DGD, đất MNC, đất NTS, đất TSC,... ở những bài viết trước cho thấy, với mỗi loại ký hiệu đất đai sẽ đại diện cho một loại đất, thuộc các nhóm đất khác nhau. Những ai chưa tìm hiểu sẽ gặp khó khăn trong việc định hình các quyền cũng như nghĩa vụ khi sử dụng các loại đất được giao/cho thuê.
ĐRM là loại đất không xa lạ với người dân nhưng những vấn đề pháp lý liên quan vẫn là một dấu hỏi lớn.
Đất ĐRM là đất gì?
"ĐRM" là ký hiệu của đất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác (tức không phải cây lúa), thuộc nhóm đất nông nghiệp theo phân loại đất đai tại Điều 10 Luật Đất đai 2013.
Thông tư 28/2004/TT-BTNMT có giải thích về khái niệm đất trồng cây hàng năm như sau: “Đất trồng cây hàng năm là đất chuyên trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch không quá một (01) năm kể cả đất sử dụng theo chế độ canh tác không thường xuyên, đất cỏ tự nhiên có cải tạo sử dụng vào mục đích chăn nuôi; bao gồm đất trồng lúa, đất cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây hàng năm khác.”
Theo đó, đất ĐRM là loại đất trồng các cây hàng năm, trừ cây lúa. Những cây trồng canh tác trên đất có thời gian phát triển ngắn, không quá 01 năm hoặc 1 số trường hợp cụ thể khác đã được thông tư hướng dẫn.
Thời hạn sử dụng đất ĐRM
Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm khác ĐRM phụ thuộc vào hình thức sử dụng. Theo quy định tại các điều 125, 126 Luật Đất đai 2013 và Điều 9 Thông tư 28/2014/TT-BTNMT, thời hạn này xác định như sau:
- Đối với đất trồng cây hàng năm mà hộ gia đình, cá nhân mà được nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất thì thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Khi hết thời hạn mà được nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước cho tiếp tục sử dụng theo thời hạn vẫn là 50 năm.
- Đối với đất trồng cây hàng năm được Nhà nước cho hộ gia đình, cá nhân thuê thì thời hạn cho thuê là không quá 50 năm. Nếu đến thời điểm hết thời hạn cho thuê nêu trên mà có nhu cầu tiếp tục thuê thì sẽ được phía Nhà nước xem xét và quyết định cho tiếp tục thuê đất.
- Đối với tổ chức mà được Nhà nước cho thuê đất, giao đất thì sẽ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư đã được phê duyệt hoặc đơn xin giao đất của tổ chức đó.
Có được chuyển nhượng, tặng cho đất ĐRM không?
Căn cứ theo các nội dung được quy định tại Điều 179 Luật đất đai năm 2013, để thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho đất trồng cây hàng năm khác ĐRM cần phải xác định được:
- Nguồn gốc sử dụng đất có ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì sẽ được phép.
Có thể chuyển đổi mục đích sang thổ cư cho đất ĐRM được không?
Theo điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm thuộc nhóm đất nông nghiệp sang đất thổ cư thuộc trường hợp phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Nghĩa là phải làm đơn gửi lên UBND cấp huyện nơi có đất (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) để cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Nghĩa vụ tài chính khi chuyển từ đất ĐRM sang đất thổ cư
Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định: “Chuyển từ đất nông nghiệp được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Trường hợp chuyển đổi mục đích khác cho đất ĐRM
Cũng theo Điều 57 Luật Đất đai 2013, trường hợp chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm, đều phải có sự xin phép đối với cơ quan có thẩm quyền.
Thời hạn sử dụng đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất:
- Trường hợp chuyển đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng thì hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất ổn định lâu dài;
- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê.
Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã có thể trả lời đất ĐRM là đất gì và biết thêm một số quy định có liên quan.
Xem thêm: