Bản đồ địa chính thửa đất & Tất tần tật khái niệm liên quan

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Tìm hiểu về khái niệm và bản chất, ý nghĩa, vai trò của bản đồ địa chính cũng như một số thuật ngữ liên quan.

Đối với lĩnh vực đất đai, không chỉ có các tranh chấp đất đai mới là mối quan tâm hàng đầu bởi tính chất phức tạp, diễn ra phổ biến ở thực tiễn. Trong lĩnh vực này, có khá nhiều góc độ để khai thác, ví dụ như ký hiệu đất đai, chế định về quyền sử dụng, quyền sở hữu, các thủ tục hành chính,... Việc có kiến thức ở những nội dung này giúp cơ quan quản lý lẫn người sử dụng đất có ý thức, trách nhiệm hơn đối với công tác giữ gìn, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên đất.

Khi nghiên cứu, tìm hiểu về đất đai hoặc tham gia các hoạt động tra cứu, giao dịch có liên quan, thuật ngữ bản đồ địa chính thửa đất được nhắc đến khá nhiều. Bản đồ này có ý nghĩa rất lớn trong quá trình quản lý, theo dõi sử dụng đất. Bài viết này sẽ mang đến cái nhìn chi tiết hơn về bản đồ địa chính cùng một số khái niệm thường gặp khác mà chắc chắn người sử dụng đất, người làm công tác quản lý nhà đất rất cần đến.

Tìm hiểu về bản đồ địa chính thửa đất

Bản đồ địa chính thửa đất là gì?

Khoản 4 Điều 3 Luật Đất đai 2013 định nghĩa về bản đồ địa chính như sau: “Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”.

Theo đó, đây là một loại tài liệu chứa đựng các thông tin quan trọng, được thiết lập dựa trên sự nghiên cứu, tìm hiểu từ những đơn vị hành chính nhỏ nhất; thể hiện một cách chính xác, trực quan số liệu, kích thước đất đai trên thực tế. Ngoài ra, còn cho thấy được các yếu tố khác như ý nghĩa, trạng thái pháp lý thửa đất.

Vậy trên bản đồ địa chính có những nội dung gì?

Theo quy định tại điều 8, Thông tư số 25/2014/TT – BTNMT quy định về bản đồ địa chính, loại bản đồ này cần thể hiện được các nội dung chính gồm:

  • Khung bản đồ;
  • Điểm khống chế tọa độ, độ cao Quốc gia các hạng, điểm địa chính, điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp, điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc ổn định;
  • Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp;
  • Mốc giới quy hoạch; chi giới hành lang bảo vệ an toàn giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác có hành lang bảo vệ an toàn;
  • Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất;
  • Nhà ở và công trình xây dựng khác: chi thể hiện trên bản đồ các công trình xây dựng chính phù hợp với mục đích sử dụng của thửa đất, trừ các công trình xây dựng tạm thời. Các công trình ngầm khi có yêu cầu thể hiện trên bản đồ địa chính phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật – dự toán công trình;
    Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất như đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, sông, suối, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến;
  • Địa vật, công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và ý nghĩa định hướng cao;
  • Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao (khi có yêu cầu thể hiện phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật – dự toán công trình);
  • Ghi chú thuyết minh

Mục đích của bản đồ địa chính là gì?

Bản đồ địa chính được lập ra với mục đích gồm:

  • Kiểm kê, thống kê diện tích đất đai ở từng khu vực và trên phạm vi cả nước.
  • Cơ sở xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đất trên từng lô cụ thể.
  • Là công cụ quan trọng để nhà nước thực thi các nhiệm vụ, vai trò quản lý đối với đất đai như thu hồi, đền bù, thu thuế, quy hoạch,...
  • Cung cấp thông tin về đất đai và cơ sở pháp lý cho các hoạt động dân sự như: chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp,...

Phân loại bản đồ địa chính

Bản đồ địa chính được phân loại dựa trên loại tỷ lệ mà bản đồ đó thể hiện. Hiện nay, bản đồ địa chính được lập ở các tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000; trên mặt phẳng chiếu hình, ở múi chiếu 3 độ, kinh tuyến trục theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 và hệ độ cao quốc gia hiện hành.

Một số loại bản đồ địa chính theo tỷ lệ thông dụng (theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT – BTNMT)

Bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200

  • Chia mảnh bản đồ địa chính 1:2000 thành 100 ô vuông, mỗi ô vuông có kích thước thực tế 0,10 x 0,10km, tương ứng với một mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200.
  • Kích thước khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200 là 50 x 50 cm, tương ứng với diện tích 1,00 ha ngoài thực địa.
  • Các ô vuông được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả Rập từ 1 đến 100 theo nguyên tắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, số hiệu mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200 bao gồm số hiệu mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000, gạch nối (-) và số thứ tự ô vuông.

Bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500

  • Chia mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000 thành 16 ô vuông, mỗi ô vuông có kích thước thực tế 0,25 x 0,25 km tương ứng với một mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500.
  • Kích thước khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500 là 50 x 50 cm, tương ứng với diện tích 6,25 ha ngoài thực địa.
  • Các ô vuông được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả Rập từ 1 đến 16 theo nguyên tắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

Bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000

  • Chia mảnh, bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000 thành 04 ô vuông, mỗi ô vuông có kích thước thực tế 0,5 x 0,5 km tương ứng với một mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000.
  • Kích thước khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000 là 50 x 50 cm, tương ứng với diện tích 25ha ngoài thực địa.
  • Các ô vuông được đánh thứ tự bằng chữ cái a, b, c, d theo nguyên tắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, số hiệu mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000 bao gồm số hiệu mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000, gạch nối (-) và số thứ tự ô vuông.

Bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000

  • Chia mảnh bản đồ địa chính, tỷ lệ 1:5000 thành 09 ô vuông, mỗi ô vuông có kích thước thực tế 1 x 1 km tương ứng với một mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000.
  • Kích thước khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000 là 50 x 50 cm, tương ứng với diện tích 100ha ngoài thực địa.
  • Các ô vuông được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả Rập từ 1 đến 9 theo nguyên tắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, số hiệu của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000 bao gồm số hiệu mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:5000, gạch nối (-) và số thứ tự ô vuông.

Bản đồ địa chính tỷ lệ 1:5000

  • Chia mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10000 thành 04 ô vuông, mỗi ô vuông có kích thước thực tế là 3 x 3 km tương ứng với một mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:5000.
  • Kích thước khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:5000 là 60 x 60 cm, tương ứng với diện tích là 900ha ngoài thực địa.
  • Số hiệu của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:5000 gồm 06 chữ số: 03 số đầu là 03 số chẵn km của tọa độ X, 03 chữ số sau là 03 số chẵn km của tọa độ Y của điểm góc trái phía trên khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính.

Bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10000

  • Chia mặt phẳng chiếu hình thành các ô vuông, mỗi ô vuông có kích thước thực tế là 6 x 6km tương ứng với một mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10000.
  • Kích thước khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10000 là 60 x 60 cm, tương ứng với diện tích là 3600ha ngoài thực địa.
  • Số hiệu của mảnh bản đồ địa chính tỷ lệ 1:10000 gồm 08 chữ số: 02 số đầu là 10, tiếp sau là dấu gạch nối (-), 03 số tiếp là 03 số chẵn km của tọa độ X, 03 chữ số sau là 03 số chẵn km của tọa độ Y của điểm góc trái phía trên khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính.

Tỷ lệ đo vẽ bản đồ địa chính được xác định trên cơ sở loại đất và mật độ thửa đất trung bình trên 01 ha. Mật độ thửa đất trung bình trên 01 ha gọi tắt là Mt, được xác định bằng số lượng thửa đất chia cho tổng diện tích (ha) của các thửa đất. Người ta sẽ tinh toán và lựa chọn loại tỷ lệ phù hợp với đặc điểm đất đai tại khu vực đó.

Cách xem bản đồ địa chính thửa đất

Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp

  • Các yếu tố như Biên giới Quốc gia, cột mốc chủ quyền Quốc gia phải được thể hiện sao cho phù hợp với Hiệp ước, Hiệp định đã được ký kết giữa Việt Nam với các nước tiếp giáp hoặc theo quy định của Bộ Ngoại giao;
  • Địa giới hành chính các cấp phải phù hợp với hồ sơ địa giới hành chính; các văn bản pháp lý có liên quan.
  • Các đơn vị hành chính tiếp giáp biển thì bản đồ địa chính được đo đạc, thể hiện tới đường mép nước biển triều kiệt trung bình tối thiểu trong 05 năm. Trường hợp chưa xác định được thì thể hiện ranh giới sử dụng đất đến tiếp giáp với mép nước biển ở thời điểm đo vẽ bản đồ địa chính;
  • Trường hợp đường địa giới hành chính các cấp trùng nhau thì biểu thị đường địa giới hành chính cấp cao nhất;
  • Mốc giới quy hoạch; chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác có hành lang bảo vệ an toàn:
  • Nội dung này chỉ được thể hiện trong trường hợp đã cắm mốc giới trên thực địa hoặc có đầy đủ tài liệu có giá trị pháp lý đảm bảo độ chính xác vị trí điểm chi tiết của bản đồ địa chính.

Kích thước, hình dạng thửa đất

  • Đỉnh thửa đất là các điểm gấp khúc trên đường ranh giới thửa đất:
  • Các đoạn cong trên đường ranh giới, đỉnh thửa đất trên thực địa được xác định đảm bảo khoảng cách từ cạnh, nối hai điểm chi tiết liên tiếp đến đỉnh cong tương ứng không lớn hơn 0,2 mm theo tỷ lệ bản đồ cần lập;
  • Cạnh thửa đất trên bản đồ được xác định bằng đoạn thẳng nối giữa hai đỉnh liên tiếp của thửa đất;
  • Ranh giới thửa đất là đường gấp khúc tạo bởi các cạnh thửa nối liền, bao khép kín phần diện tích thuộc thửa đất đó;
  • Nếu đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở thì ranh, giới thửa đất được xác định là đường bao của toàn bộ diện tích đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở đó;
  • Ruộng bậc thang có ranh giới thửa đất được xác định là đường bao ngoài cùng, bao gồm các bậc thang liền kề có cùng mục đích sử dụng đất, thuộc phạm vi sử dụng của một người sử dụng đất hoặc một nhóm người cùng sử dụng đất.
  • Đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng là bờ thửa, đường rãnh nước dùng chung không thuộc thửa đất có độ rộng dưới 0,5m thì ranh giới thửa đất được xác định theo đường tâm của đường bờ thửa, đường rãnh nước.

Loại đất

Loại đất thể hiện trên bản đồ địa chính bằng ký hiệu

>>> Tham khảo một số bài viết về ký hiệu các loại đất:

Loại đất thể hiện trên bản đồ địa chính dựa trên hiện trạng sử dụng đất

Nếu thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích thì được thể hiện đầy đủ các mục đích sử dụng đất đó.

Thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở đã được Nhà nước công nhận toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở thì thể hiện loại đất trên bản đồ là đất ở.

Các đối tượng nhân tạo, tự nhiên có trên đất

  • Ranh giới chiếm đất của nhà ở và các công trình xây dựng trên mặt đất được xác định theo mép ngoài cùng của tường bao nơi tiếp giáp với mặt đất, mép ngoài cùng của hình chiếu thẳng đứng lên mặt đất của:
    • Các kết cấu xây dựng trên cột,
    • Các kết cấu không tiếp giáp mặt đất vượt ra ngoài phạm vi của tường bao tiếp giáp mặt đất (không bao gồm phần ban công, các chi tiết phụ trên tường nhà, mái che).
  • Ranh giới chiếm đất của các công trình ngầm được xác định theo mép ngoài cùng của hình chiếu thẳng đứng lên mặt đất của công trình đó.
  • Hệ thống giao thông biểu thị phạm vi chiếm đất của đường sắt, đường bộ và các công trình có liên quan đến đường giao thông như cầu, cống, hè phố, lề đường, chỉ giới đường, phần đắp cao, xẻ sâu.
  • Hệ thống thủy văn biểu thị phạm vi chiếm đất của sông, ngòi, suối, kênh, mương, máng và hệ thống rãnh nước.

Thủ tục trích lục bản đồ địa chính

Trích lục bản đồ địa chính

Trích lục bản đồ địa chính là gì?

Hiện nay, thủ tục xin trích lục diễn ra khá phổ biến, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, không có văn bản nào giải thích một cách tổng quan về khái niệm này, đa phần đều được hướng dẫn bởi các khái niệm chuyên ngành đi kèm, như trích lục hộ tịch, trích lục khai sinh, trích lục hộ khẩu,... và tất nhiên có trích lục bản đồ địa chính.

Có thể hiểu một cách đơn giản, trích lục là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao giấy tờ, hồ sơ cho người có yêu cầu. Trích lục bản đồ địa chính là các văn bản nhằm cung cấp, xác thực một số thông tin liên quan đến đất đai, như: số thứ tự thửa đất, tờ bản đồ số…, diện tích, mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất, bản vẽ thửa đất, các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý,...

Trích lục bản đồ địa chính có giá trị pháp lý không?

Câu trả lời là có. Trích lục có 02 loại, gồm:

  • Bản sao trích lục cấp từ hồ sơ gốc.
  • Bản sao trích lục được chứng thực từ bản chính.

Khoản 1 và 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định, bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Vì vậy, bản trích lục bản đồ địa chính có giá trị pháp lý tương tự như bản chính, được pháp luật cho phép sử dụng thay thế bản chính trong các giao dịch liên quan.

Vai trò của trích lục bản đồ địa chính

Bản trích lục địa chính đóng nhiều vai trò quan trọng đối với các giao dịch, thủ tục liên quan đến đất đai. Cụ thể:

Sử dụng trong trường hợp cần Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

  • Điểm b khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định, khi đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất.
  • Khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định, khi cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất.

Sử dụng trong trường hợp có nhu cầu xin giao đất, thuê đất:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT khi nhận giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của UBND cấp tỉnh thì người có yêu cầu phải nộp hồ sơ, trong đó phải có trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.

Sử dụng khi có nhu cầu xin chuyển mục đích sử dụng đất:

Hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, phải có trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất trong số các loại giấy tờ trình UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Sử dụng khi quyết định thu hồi đất:

Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì có các loại hồ sơ như hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất theo quy định tại Điều 9 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, trong thành phần hồ sơ ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc, hồ sơ trình ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất đều bắt buộc có trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất.

Sử dụng như một căn cứ cho các tranh chấp đất đai:

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, sau khi hòa giải không thành tại UBND cấp xã, nếu các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện, tỉnh thì căn cứ để giải quyết tranh chấp luôn cần đến trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến phần đất xảy ra mâu thuẫn.

Các bước xin trích lục bản đồ địa chính

Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ xin trích lục bản đồ địa chính bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai theo mẫu số 01/PYC ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT
  • Giấy tờ về sử dụng đất và các giấy tờ liên quan (bản sao);
  • Giấy tờ về nhân thân: CMND hoặc thẻ căn cước, sổ hộ khẩu.

Quy trình thực hiện

Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu tại Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã. Lưu ý:

  • Với tổ chức, hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai
  • Với cá nhân, nộp hồ sơ tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai;

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết

  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra và thẩm định hồ sơ, sau đó tiếp nhận và giải quyết; thực hiện các công việc sau:
  • Cung cấp trích lục bản đồ cho người có yêu cầu.
  • Thông báo nghĩa vụ tài chính cho tổ chức, cá nhân (nếu có).
  • Nếu từ chối cung cấp thông tin phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. Trường hợp hồ sơ bị từ chối thường là:
    • Nội dung trong phiếu yêu cầu không cụ thể, không rõ ràng.
    • Phiếu yêu cầu thiếu các thông tin như tên, địa chỉ, chữ ký,...
    • Mục đích xin dữ liệu không phù hợp với các quy định hiện hành.
    • Người yêu cầu không thực hiện đúng nghĩa vụ về tài chính.

Bước 3: Trả kết quả

Nếu hồ sơ hợp lệ và các nghĩa vụ được hoàn tất thì theo thời gian quy định, người có yêu cầu sẽ được nhận trích lục bản đồ địa chính, trong thời gian không quá 03 ngày kể từ ngày có kết quả giải quyết. Theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, thời gian giải quyết được quy định như sau:

Nếu nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; nếu nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Bản đồ địa chính có thể hiện quyền sở hữu/quyền sử dụng đất đai?

Theo như khái niệm, mục đích của bản đồ địa chính và vai trò của trích lục bản đồ địa chính nêu trên, bản đồ này không thể hiện quyền sở hữu hay quyền sử dụng đất đai của một cá nhân, tổ chức nào đó. Nguyên tắc để ghi nhận quyền sử dụng đất là phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nghĩa là phải đảm bảo được các điều kiện về giấy tờ theo luật định. Bản đồ địa chính thửa đất không thể thay thế được điều này.

>>> Xem thêm: Quy trình làm sổ hồng đúng quy định Pháp Luật (Mới nhất)

Nội dung bài viết là toàn bộ những gì cần biết về bản đồ địa chính thửa đất. Khái niệm này không mới nhưng chưa được quá nhiều người hiểu rõ, trong khi lại là yếu tố vô cùng quan trọng trong các mối quan hệ liên quan đến đất đai hiện nay.

Xem thêm: