Án phí tranh chấp đất đai hiện nay là bao nhiêu?
Mức án phí áp dụng cho các tranh chấp đất đai hiện nay được tính như thế nào? Ai là người phải đóng án phí, thời điểm nào đóng án phí?
Tranh chấp đất đai là một trong số các tranh chấp phức tạp. Theo thủ tục, khi khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền, các bên có nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí và án phí sau khi có quyết định của tòa án. Hiểu được cách tính cũng như các quy định liên quan đến án phí tranh chấp đất đai sẽ giúp người dân bảo vệ quyền lợi cũng như thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Án phí tranh chấp đất đai là gì?
Theo Pháp lệnh về phí, án phí tòa án 2009: “Án phí là Khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Có nhiều loại án phí, như: án phí hình sự, án phí dân sự, án phí kinh tế, án phí lao động, án phí hành chính…”
Án phí tranh chấp đất đai là khoản chi phí xét xử vụ án liên quan đến đất đai, trường hợp này được xếp vào loại án phí dân sự.
Nguyên tắc thu, nộp án phí tranh chấp đất đai
- Án phí được thu bằng đồng Việt Nam.
- Cơ quan có thẩm quyền thu tiền tạm ứng án phí, án phí, phải sử dụng chứng từ thu do Bộ Tài chính phát hành.
- Cơ quan có thẩm quyền thu án phí tranh chấp đất đai
Tại khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh về phí, án phí tòa án 2009 quy định : “Cơ quan thi hành án dân sự thu án phí quy định tại Điều 3”.
Cụ thể, điều 3 nêu rõ:
“Án phí bao gồm các loại sau đây:
a) Án phí hình sự;
b) Án phí dân sự, gồm có các loại án phí giải quyết vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;
c) Án phí hành chính.
2. Các loại án phí quy định tại khoản 1 Điều này gồm có án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.”
Như vậy án phí tranh chấp đất đai (sơ thẩm, phúc thẩm) do cơ quan thi hành án dân sự thu.
Ai là người có nghĩa vụ đóng án phí?
Căn cứ quy định tại Điều 147, Điều 148 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 và khoản 2 Điều 26 Nghị định số 326/2016/UBTVQH14, chủ thể chịu án phí trong tranh chấp đất đai gồm:
- Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.
- Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.
- Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định.
- Trong vụ án có đương sự được miễn án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu.
- Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết.
- Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm.
- Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Ai được miễn, giảm án phí tranh chấp đất đai?
Trường hợp không phải nộp án phí tranh chấp đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án dân sự hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước khởi kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
- Trường hợp được miễn nộp án phí tranh chấp đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:
- Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Trường hợp được giảm án phí tranh chấp đất đai theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:
- Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án mà người đó phải nộp. Trừ các trường hợp:
- Có căn cứ chứng minh người được giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án không phải là người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có tài sản để nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án;
- Theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì họ có tài sản để nộp toàn bộ tiền án phí, lệ phí Tòa án mà họ phải chịu.
- Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được giảm tiền án phí thì Tòa án chỉ giảm 50% đối với phần án phí mà người thuộc trường hợp được giảm tiền án phí phải chịu theo quy định của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được giảm.
Hướng dẫn làm hồ sơ miễn, giảm án phí
Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về hồ sơ đề nghị miễn giảm án phí như sau:
- Người đề nghị được miễn, giảm án phí theo các quy định trong Nghị quyết phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.
Theo đó, đơn đề nghị miễn, giảm án phí cần có các nội dung:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
- Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Mức án phí tranh chấp đất đai được tính như thế nào
Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất, khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:
- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch (có mức án phí là 300.000 đồng).
- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.
Theo đó, tại Điều 7 và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, quy định mức án phí với vụ án có giá ngạch như sau:
Thực tiễn về án phí tranh chấp đất đai
Án phí tranh chấp đất đai nói riêng và án phí dân sự nói chung trên thực tiễn còn khá nhiều vấn đề phát sinh, trong đó có những bất cập gây lúng túng cho người dẫn lẫn cơ quan có thẩm quyền.
Trong Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (412), tháng 6/2020 có bài viết bình luận về vấn đề án phí dân sự. Trong đó, có một số nội dung khá thú vị có thể liên quan đến án phí tranh chấp đất đai.
Ví dụ trong trường hợp được miễn giảm án phí nhưng không làm đơn thì có được áp dụng hay không? Hiện vẫn chưa có câu trả lời sau cùng cho vấn đề này nhưng thực tiễn xét xử ghi nhận 02 hướng giải quyết:
- Hướng thứ nhất: dù không có đơn xin miễn án phí nhưng thuộc trường hợp được miễn thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc Hội đồng xét xử xét miễn, giảm án phí cho đương sự. Cách xử lý này đề cao tính linh hoạt, không áp dụng pháp luật một cách quá máy móc, rập khuôn.
- Hướng thứ hai: nếu đương sự không có đơn xin miễn, giảm án phí thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc Hội đồng xét xử không xét miễn án phí cho họ. Cách này thì cơ quan có thẩm quyền làm theo đúng với những gì pháp luật quy định, đáp ứng tuyệt đối trình tự thủ tục.
Với 02 hướng giải quyết như trên, quyền lợi của đương sự sẽ có nhiều khác biệt. Chưa có văn bản nào nêu rõ giải quyết ra sao mới đúng, nhưng rõ ràng ở thực tiễn, các thẩm phán có quan điểm khá “trái” nhau.
Ngoài ra, một trong những trường hợp được miễn nộp tiền án phí tại Điều 12 Nghị quyết số 326 là “đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Như vậy, trường hợp đương sự là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở thôn đặc biệt khó khăn nhưng thôn này không thuộc xã đặc biệt khó khăn thì có được miễn án phí không?
Việc trả lời có hay không sẽ thể hiện tính linh hoạt của quy định này. Câu chữ thể hiện là “xã” nhưng với các cấp hành chính nhỏ hơn, liệu có thể linh động xử lý?
Án phí là một phần nghĩa vụ của các đương sự trong tranh chấp. Tuy nhiên, cũng chính là quyền lợi của họ ở trong đó. Vì vậy, đừng bỏ qua các quy định này để biết cách đảm bảo lợi ích cho mình cũng như cân nhắc chi phí cho quá trình giải quyết tranh chấp.
Xem thêm: