Kinh nghiệm cho thuê khách sạn hiệu quả & bí quyết thu hút khách

Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon
Chưa có đánh giá nào (Đánh giá) icon icon

Mô hình kinh doanh khách sạn tuy không mới nhưng lại luôn đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thành hiện thực nếu bạn nắm được những kinh nghiệm cho thuê khách sạn sắp được bật mí trong bài viết dưới đây.

Không khó gì để bạn có thể tìm thấy những khách sạn lớn nhỏ tại các thị trấn, thành phố… hay nhiều hơn cả là các địa điểm du lịch nổi tiếng. Điều này chứng tỏ rằng kinh doanh khách sạn là loại hình kinh doanh phổ biến và đã ra đời từ rất lâu khi nhu cầu về dịch vụ lưu trú tăng cao. Chính vì không còn mới mẻ và cũng không phải là xu hướng đầu tư năm 2021 nên việc kinh doanh khách sạn đòi hỏi nhiều yếu tố để đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao cho chủ đầu tư. Sự cạnh tranh khắt khe buộc các chủ đầu tư cần phải đổi mới và nắm bắt được kinh nghiệm “xương máu” trong việc cho thuê khách sạn.

Xem thêm:

1. Tìm hiểu về mô hình kinh doanh khách sạn

Để có thể có được hoạt động kinh doanh hiệu quả thì trước hết bạn cần hiểu rõ về mô hình kinh doanh này.

- Kinh doanh khách sạn là gì?

Kinh doanh khách sạn được biết đến là một hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống hay các tiện ích bổ sung cho khách hàng. Mục đích của hình thức kinh doanh này đó là đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ ngơi và giải trí của khách hàng tại các điểm du lịch nhằm mục đích thu lợi nhuận.

kinh nghiệm cho thuê khách sạn 1

Trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thì condotel cùng với khách sạn chính là 2 mô hình kinh doanh hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Kinh doanh khách sạn bao gồm kinh doanh lưu trú và kinh doanh ăn uống. Kinh doanh lưu trú ở đây đó là cung cấp dịch vụ buồng phòng, cơ sở vật chất và các dịch vụ bổ sung khác.

Còn kinh doanh condotel là sự kết hợp giữa 2 mô hình: khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi bất động sản nghỉ dưỡng được nhiều người biết đến và quan tâm, thì condotel cũng như khách sạn trở thành 2 loại hình đầu tư bất động sản được nhiều người lựa chọn kinh doanh.

Tuy nhiên đầu tư bất động sản không hề đơn giản, nhất là đối với ngành khách sạn hay condotel vốn tồn tại rất nhiều khó khăn (các khó khăn này sẽ được đề cập ở phần 2 của bài viết). Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm bắt thị trường, có chiến lược kinh doanh tốt, và đặc biệt phải có kinh nghiệm đầu tư, quản lý và vận hành khách sạn.

- Các loại hình khách sạn phổ biến tại Việt Nam

Hiện nay có nhiều tiêu chí để có thể phân loại mô hình khách sạn. Tại Việt Nam, khách sạn thường được phân loại bằng một số cách phổ biến dưới đây.

+ Phân loại mô hình khách sạn theo quy mô

Không phải khách sạn nào cũng giống nhau về quy mô. Tùy thuộc vào khả năng tài chính là chủ đầu tư có thể lựa chọn 1 trong 4 loại khách sạn dưới đây:

  • Khách sạn nhỏ: Quy mô phòng chỉ từ 1 đến 150 phòng.
  • Khách sạn vừa: Số lượng phòng từ 151 đến 400 phòng.
  • Khách sạn lớn: Quy mô lên tới 401 đến 1500 phòng
  • Khách sạn Mega: Trên 1500 phòng

Tính đến thời điểm này, tại nước ta đã sở hữu ¾ mô hình khách sạn được phân loại theo quy mô. Trong đó, khách sạn đạt được quy mô lớn nhất đó chính là Best Western Premier Havana (tọa lạc tại Nha Trang) với 1.260 phòng bao gồm 41 tầng.

+ Phân loại theo tính chất đặc thù

Ngoài quy mô thì chúng ta có thể phân loại khách sạn theo tính chất đặc thù. Đây cũng là cách để khách lưu trú dễ dàng chọn được khách sạn ưng ý, phù hợp cho mục đích của mình.

  • Khách sạn thương mại: Đây là loại hình khách sạn thường thấy ở các thành phố lớn hay trung tâm thương mại. Đối tượng khách hàng chủ yếu của loại hình khách sạn này chính là thương nhân, khách du lịch có nhu cầu lưu trú thời gian ngắn hạn.
  • Khách sạn nghỉ dưỡng (Resort hotel): Đúng như tên gọi của nó, loại hình khách sạn này thường được xây dựng ngay trong khuôn viên các resort biển, núi, thung lũng. Tại Việt Nam, nơi tập trung nhiều khách sạn nghỉ dưỡng đó là các địa điểm du lịch nổi tiếng như Phan Thiết, Mũi Né, Nha Trang, Vũng Tàu... Khách hàng thường có nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng dài hạn tại khách sạn nghỉ dưỡng.
  • Khách sạn sân bay (airport hotel): Loại hình khách sạn sân bay tọa lạc gần các sân bay quốc tế. Các khách sạn này chủ yếu để phục vụ cho hành khách chờ bay, nhân viên phi hành đoàn.
  • Khách sạn căn hộ (suite hotel/apartment): Nói một cách dễ hiểu, loại hình khách sạn này được thiết kế đầy đủ tiện nghi như các căn hộ chung cư và thường phù hợp cho các khách thương gia, các gia đình cho nhu cầu lưu trú dài hạn từ vài ngày đến vài tháng.
  • Khách sạn bình dân (Hostel): Đây là loại hình khách sạn phổ biến và thường thấy trên các con đường, tuyến phố. Khách sạn bình dân không phân biệt đối tượng và thường có mức giá rẻ nhất trong số các loại hình khách sạn kể trên.

kinh nghiệm cho thuê khách sạn 2

+ Phân loại dựa trên tiêu chuẩn sao (*)

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến khách sạn 1 sao, 2 sao… Vậy, có bao giờ bạn thắc mắc sự khác biệt giữa khách sạn 1 sao và 2 sao là gì chưa? Đây thực chất là cách phân loại dựa trên tiêu chuẩn sao (*).

Dựa vào các tiêu chí như thiết bị, tiện nghi, vị trí, thiết kế kiến trúc, quy mô (số lượng phòng), khu vực để xe, trang thiết bị, phục vụ ăn, chất lượng phục vụ của nhân viên… mà khách sạn sẽ được chia làm các loại gồm:

  • Khách sạn 1 sao (*)
  • Khách sạn 2 sao (**)
  • Khách sạn 3 sao (***)
  • Khách sạn 4 sao (****)
  • Khách sạn 5 sao (*****)

2. Những rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh khách sạn

Không phủ nhận rằng kinh doanh khách sạn đem lại lợi nhuận cao cho chủ đầu tư tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bạn cũng có thể gặp phải những rủi ro không đáng có.

- Khó thu hồi vốn trong thời gian nhanh chóng

Vì là ngành nghề kinh doanh mang tính lâu dài nên sẽ rất khó để thu hồi vốn trong thời gian sớm nhất. Chưa kể đến việc, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ nguồn vốn để xây dựng khách sạn nên rất có thể cần đến khoản vay lớn từ ngân hàng. Và lúc này, áp lực doanh thu cùng số tiền lãi hàng tháng có thể khiến chủ đầu tư ảnh hưởng tâm lý và khó có được những chiến lược kinh doanh hiệu quả.

- Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt

Nhu cầu lưu trú của khách hàng tăng nhanh đã tạo điều kiện cho hàng loạt khách sạn lớn bé ra đời. Chính vì điều này đã tạo nên một sự cạnh tranh khốc liệt. Nếu không may mắn sở hữu vị trí đẹp, thuận tiện trong giao thông… thì rất khó để bạn cạnh tranh lại với những đối thủ khác.

kinh nghiệm cho thuê khách sạn 3

Tuy nhiên, nhờ có sự cạnh tranh này mà các chủ đầu tư đã không ngừng đổi mới, sáng tạo các ý tưởng thiết kế hay ho, độc đáo nhằm thu hút khách hàng. Vậy mới làm nên được nhiều khách sạn đẹp, xứng đáng để khách hàng lựa chọn.

- Khó khăn trong việc quản lý khách sạn

Một khó khăn mà các chủ đầu tư (nhất là với những người chưa có kinh nghiệm cho thuê khách sạn) thường gặp đó là vấn đề quản lý. Để phục vụ khách hàng tốt nhất có thể, bạn cần phải xác định được số lượng nhân viên cũng như cách vận hành marketing để thu hút khách hàng. Sẽ rất áp lực về doanh thu nếu khách sạn rơi vào tình trạng “ế ẩm”, chỉ lác đác khách hoặc không có nổi khách thuê phòng trong thời gian dài.

Khi xác định kinh doanh khách sạn, bạn cũng cần nghĩ đến những trường hợp như các tệ nạn ma túy, mại dâm… thường chọn khách sạn làm nơi “hành sự”. Và, khi những việc này xảy ra thì khách sạn có thể bị liên lụy. Nhẹ có thể bị phạt hành chính, nặng thì có thể bị thu hồi giấy phép hoặc đóng cửa cơ sở. Vậy nên, cần siết chặt khâu quản lý khách sạn để tránh những rủi ro không đáng có.

3. Kinh nghiệm cho thuê và vận hành khách sạn hiệu quả

Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và đầu tư bất động sản cho thuê nói riêng chưa bao giờ là “dễ ăn” cả. Nhất là khi đầu tư là khách sạn - lĩnh vực đầu tư như đã nói ở trên là đối mặt với khá nhiều khó khăn. Vậy để không gặp phải những rủi ro thường thấy, đồng thời kinh doanh đem lại hiệu quả thì bạn nhất định cần phải nắm được những kinh nghiệm “xương máu” khi kinh doanh mô hình khách sạn sau đây.

- Chọn vị trí đắc địa, thuận lợi

Kinh nghiệm đầu tiên bạn nên biết khi có ý định kinh doanh khách sạn (cũng chính là kinh nghiệm cho thuê homestay, condotel…) đó chính là chọn địa điểm để xây dựng. Đây là một bài toán khó nhưng không phải không có câu trả lời. Hãy nghiên cứu thị trường để có thể xác định được địa điểm đẹp. Thường các vị trí như khu du lịch, thành phố đông đúc, gần các trung tâm hội nghị, sự kiện sẽ dễ có được lượng khách thuê nhất định.

Ngoài ra, bạn cũng nên xác định được tình hình cạnh tranh. Đó là liệu vị trí mình đang định xây dựng đã có nhiều khách sạn hay chưa? Nếu kinh doanh thì khách sạn của mình có thể cạnh tranh được với các khách sạn khác hay không? Nếu không đủ tự tin có thể cạnh tranh thì tốt nhất bạn cần cân nhắc lại vị trí.

- Có chiến lược kinh doanh cụ thể

Không chỉ với kinh doanh cho thuê khách sạn mà với mọi lĩnh vực kinh doanh thì bạn cũng cần có một chiến lược cụ thể, chi tiết. Bí quyết ở đây đó là hãy chia theo từng giai đoạn của công ty bao gồm xây dựng chiến lược cạnh tranh với đối thủ, chiến lược marketing quảng cáo thương hiệu, thu hút khách hàng…

Việc có chiến lược kinh doanh sẽ giúp bạn biết phải những gì và nên làm cái gì trước, cái gì sau để có hiệu quả tốt nhất. Ngược lại, nếu mơ hồ trong khâu nghiên cứu chiến lược thì bạn sẽ rất dễ bị mông lung dẫn tới hậu quả là khách sạn kinh doanh không mấy hiệu quả.

kinh nghiệm cho thuê khách sạn 4

- Chú trọng đầu tư chất lượng dịch vụ

Bất kỳ một dịch vụ nào cũng cần đầu tư chất lượng dịch vụ. Với khách sạn, chất lượng dịch vụ lại càng quan trọng và là yếu tố quyết định sự thành công. Khi khách hàng có được trải nghiệm tốt nhất, hoàn hảo nhất tại khách sạn của bạn thì họ sẽ quay lại lần thứ 2, thứ 3 thậm chí sẵn sàng đưa ra đánh giá, phản hồi cực tốt trên mạng xã hội. Như vậy, khách sạn của bạn sẽ được quảng bá một cách rộng rãi.

Để có được điều này, chủ đầu tư cần phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể, hãy cung cấp đến khách hàng các tiện ích nổi bật cũng như việc đưa các ứng dụng công nghệ vào khách sạn. Bạn cũng nên dùng các phần mềm quản lý thông minh để tiết kiệm công sức mà lại đem đến hiệu quả cao.

- Áp dụng mức giá hợp lý

Nhìn chung, kinh nghiệm cho thuê nhà hay khách sạn hay mặt bằng thì bí quyết để kinh doanh hiệu quả đó là nên áp dụng mức giá hợp lý. Hãy cân nhắc đến việc thiết lập gia sao cho hợp lý nhất. Đừng vì cạnh tranh mà sẵn sàng hạ mức giá thuê phòng xuống trong khi chất lượng dịch vụ của khách sạn bạn tốt hơn hẳn. Hãy cho khách hàng thấy được mức giá đó là tương xứng với chất lượng.

Ngoài ra, bạn cũng nên có câu trả lời cho việc có nên thay đổi giá theo mùa hay không, có nên áp dụng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng?

- Chú trọng đào tạo nhân viên

Một yếu tố vô cùng quan trọng làm nên sự chuyên nghiệp cho khách sạn đó là thái độ làm việc của đội ngũ nhân viên. Khách hàng chắc chắn sẽ vô cùng hài lòng khi nhận được sự chăm sóc, tư vấn nhiệt tình của nhân viên khách sạn.

Vì thế, hãy trau dồi chuyên môn cho đội ngũ nhân viên và đào tạo tác phong, thái độ làm việc sao cho chuyên nghiệp, bài bản nhất.

Việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên cho khách sạn cũng cần theo quy trình nghiêm túc. Để nhân viên hết lòng với khách sạn thì hãy luôn quan tâm đến họ và trả một mức lương tương xứng nhất.

kinh nghiệm cho thuê khách sạn 5

4. Bí quyết thu hút khách, tăng công suất đặt phòng

Hầu hết các khách sạn hiện nay đều được thiết kế hiện đại, đầy đủ tiện nghi và thường xuyên có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Vậy làm thế nào để khách sạn của bạn có thể cạnh tranh được với các khách sạn có cùng “đẳng cấp” (thậm chí là hơn)? Đừng bỏ qua những bí quyết sẽ được bật mí ngay sau đây.

- Tạo nhu cầu đặt phòng cho khách

Ngay cả khi khách chưa có nhu cầu, chính bạn hãy tạo ra nhu cầu cho khách. Bằng cách thiết kế, xây dựng các gói dịch vụ độc đáo và mới mẻ. Ví dụ như trải nghiệm cuộc sống 2 ngày 1 đêm sang chảnh tại khách sạn sang trọng, hoặc kỳ nghỉ cho các gia đình vào dịp cuối tuần, hoặc lên kế hoạch tuần trăng mật cho cặp đôi mới cưới… Nếu khách sạn của bạn nằm ở những nơi có các địa điểm du lịch đẹp thì đó là một lợi thế để bạn kết hợp giữa du lịch và thuê phòng nghỉ ngơi của du khách.

- Đừng bỏ qua “mùa thấp điểm”

Tại các “mùa cao điểm” thì không cần làm gì bạn cũng sẽ có lượng khách đặt phòng ổn định. Nhưng tại các “mùa thấp điểm” thì bạn cần có bí quyết để thu hút khách hàng. Lúc này, các chương trình khuyến mãi chính là “chiếc phao” cứu bạn thoát khỏi cảnh phòng trống.

Các chương trình khuyến mãi bạn có thể áp dụng trong mùa thấp điểm chín là: voucher sử dụng miễn phí dịch vụ tại khách sạn; ưu đãi giảm giá khi ăn uống, giải trí; giảm giá phòng hội nghị - hội thảo; tặng vé tham dự sự kiện tại địa phương…

- Đầu tư cho website của khách sạn

Thời đại của công nghệ nếu khách sạn của bạn không có website thì xem như bạn đã đi chậm hơn đối thủ một nửa chặng đường. Có website nhưng không được đầu tư thì khách hàng dù đã tìm đến bạn cũng sẽ sớm rời đi.

Việc của bạn là phải thiết kế và đầu tư website thật chuyên nghiệp, thân thiện, dễ sử dụng, tương thích với thiết bị di động... Trên website phải cập nhật đầy đủ các thông tin về: Giá, cơ sở vật chất, các loại phòng, các chương trình khuyến mãi,...

- Liên kết với các công ty, doanh nghiệp

Liên kết với các công ty, doanh nghiệp, cùng với đó là các gói phòng với những ưu đãi đặc biệt chính là việc làm thông minh để khách sạn của bạn có được lượng khách ổn định và dồi dào. Số lượng công ty, doanh nghiệp tại nước ta ngày một lớn, nhu cầu về công tác hay du lịch của họ ngày một cao. Nếu như bạn có thể liên kết được với họ thì mỗi năm bạn sẽ có được một lượng khách lớn ghé thăm. Nếu như giá phòng và chất lượng dịch vụ của bạn tốt thì bạn sẽ “giữ chân” họ được lâu dài.

- Ứng dụng công nghệ vào kinh doanh

Khách hàng của bạn hiện nay đa số đều biết đến công nghệ và sử dụng công nghệ khi có nhu cầu đặt phòng khách sạn. Vì vậy, bạn không thể không ứng dụng công nghệ để tiếp cận với khách hàng một cách đơn giản và nhanh nhất.

Cụ thể, các công nghệ đó là:

  • Sử dụng mạng xã hội: Facebook, Google, Twitter, Instagram…
  • Tham gia các website đặt phòng khách sạn
  • Sử dụng các phần mềm quản lý khách sạn chuyên nghiệp

5. Tổng kết

Với những kinh nghiệm cho thuê khách sạn được bật mí trên đây, chắc chắn nhiều chủ đầu tư đã biết mình cần phải làm gì để có được hệ thống khách sạn hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu cao rồi chứ? Chúc bạn sẽ có được doanh thu lợi nhuận cao từ mô hình kinh doanh khách sạn nhé!

Nguồn: Trần Anh Group