Kinh nghiệm cho sinh viên thuê nhà: chuyện "đôi bên" cần biết
Kinh nghiệm cho sinh viên thuê nhà, cả bên cho thuê lẫn bên đi thuê cần phải có những hiểu biết và sự chuẩn bị trước khi tiến hành xác lập giao dịch.
Tại các thành phố lớn hoặc các tỉnh, thành có trường đại học, hàng năm lượng sinh viên đổ về rất đông. Đây là nguồn khách hàng vô cùng tiềm năng cho các hoạt động cho thuê nhà. Theo đó, nguồn cung nhà ở cho thuê, từ cao cấp đến bình dân có cơ hội “nở rộ” tại các thị trường nay.
Nhu cầu cao, nguồn cung lớn, tuy nhiên việc cho sinh viên thuê nhà và tìm nhà của sinh viên trên thực tế còn tồn tại khá nhiều bất cập. Người cho thuê cũng có thể gặp rủi ro từ những khách thuê “gắn mác” sinh viên; ngược lại, những bạn sinh viên “chân ướt chân ráo” lên thành phố học tập cũng khó tránh khỏi tình trạng hét giá, lừa đảo,...
Để “đôi bên” cùng có lợi, bài viết xin được cung cấp một số kinh nghiệm cho sinh viên thuê nhà, dưới góc độ của người cho thuê và người đi thuê.
Kinh nghiệm cho sinh viên thuê nhà của “bên cho thuê”
Các chủ nhà nguyên căn xem sinh viên là đối tượng khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, sinh viên cũng là nhóm khách hàng đặc biệt mà chủ nhà cần cân nhắc, bởi những yêu cầu người thuê đặt ra cũng như thói quen sinh hoạt của sinh viên rất khác so với người đi làm.
Có thể lấy một vài ví dụ như sau:
- Sinh viên thường có xu hướng ở theo nhóm, càng đông càng tốt để giảm bớt chi phí tiền nhà hàng tháng.
- Thường chọn nhà ở gần trường học, gần các điểm vui chơi, giải trí, giao thông thuận tiện, gần bến xe buýt,...
- Có tâm lý muốn chọn thuê những khu vực an ninh cao, đa phần là sinh viên càng tốt. Phụ huynh rất ngại việc cho con em mình sống ở những khu nhà có quá nhiều thành phần phức tạp.
- Không phải toàn bộ nhưng phần lớn rất quan tâm về giá, ưu tiên những nơi có giá cả rẻ, phải chăng.
- Giờ giấc đi lại thoải mái vì nhiều sinh viên làm thêm, học thêm hoặc tham gia các hoạt động xã hội có thể sẽ về muộn; không chung chủ sẽ giảm bớt sự bất tiện.
....
Dựa trên những yêu cầu này, các chủ nhà cần có sự điều chỉnh đối với các điều kiện cho thuê sao cho phù hợp, thu hút được sự chú ý của sinh viên.
Phân tích thị trường, quyết định giá cho thuê
Hiện nay, giá cho sinh viên thuê nhà tùy thuộc vào từng nhóm thị trường. Ở các khu vùng ven giá nhà nguyên căn tầm 1,3 - 2 triệu đồng. Những nơi trung tâm hơn, tập trung nhiều trường đại học lớn, như Tp. Hồ Chí Minh thì giá phân theo mức chất lượng nhà ở, nhà nguyên căn thường có giá từ 5 - 10 triệu đồng tùy diện tích.
Bên cho thuê cần thường xuyên theo dõi tình hình biến động giá, cân đối trên diện tích, chất lượng nhà cho thuê, các yếu tố khách quan như đường sá, giao thông, tiện ích,... để đặt ra mức giá thuê hợp lý, phù hợp với đối tượng thuê là sinh viên. Chủ nhà nên tự trang bị thêm cho mình kinh nghiệm cho thuê nhà nguyên căn để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Sàng lọc đối tượng thuê nhà
Đây tưởng chừng là yêu cầu không mấy quan trọng nhưng trên thực tế, rất nhiều yếu tố phát sinh từ việc chủ nhà thiếu sự “sàng lọc” đối tượng thuê. Không hẳn sinh viên nào đến thuê nhà cũng là “sinh viên”, nhiều đối tượng lợi dụng điều này để tạo lòng tin cho chủ nhà nhằm thuê được nhà với giá hời nhưng lại sử dụng vào mục đích xấu hoặc thái độ sống không tốt, không có ý thức chung,...
Vì vậy, chủ nhà nên yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh để làm cơ sở xác định độ tin cậy của người thuê.
>>> Chủ nhà nên tham khảo: Kinh nghiệm quản lý nhà cho thuê
Thỏa thuận về quá trình sử dụng nhà ở
Một trong những kinh nghiệm cho sinh viên thuê nhà được các chủ nhà truyền cho nhau chính là thỏa thuận thật chặt chẽ về các quy định trong quá trình thuê, sử dụng nhà ở. Sinh viên thuê nhà thường ở theo nhóm, không dưới 2 người, càng đông càng dễ xảy ra các hư hỏng, tổn nhất đối với nhà ở, nội thất đi kèm (nếu có). Do đó, chủ nhà cần làm rõ vấn đề trách nhiệm trong quá trình sử dụng đối với nhà cho thuê, nghĩa vụ bồi thường cũng như phạm vi các tác động đến công trình như sửa chữa, tân trang, phân phòng,...
>>>> Tham khảo Kinh nghiệm cho thuê nhà có nội thất
Giá điện nước phù hợp
Bên cạnh giá phòng thì giá điện, nước, giá các dịch vụ đi kèm như tiền rác, internet,... cũng là vấn đề được sinh viên quan tâm. Thông thường, cho thuê nhà nguyên căn thì mức thu điện, nước dựa trên giá nhà nước quy định. Chủ nhà nên hạn chế việc “thổi” giá điện nước, điều này sẽ khiến không ít sinh viên ái ngại mà “bỏ đi”.
Rõ ràng các vấn đề liên quan đến pháp lý
Ngoài yếu tố hợp đồng thuê nhà quy định rõ về hiện trạng nhà cho thuê, giá thuê, thời hạn thuê, thời hạn đóng tiền nhà và các chi phí khác hàng tháng,... chủ nhà nên lưu ý đến vấn đề quan trọng khác, chính là đăng ký tạm trú cho người thuê. Khi sinh viên dọn đến ở, chủ nhà nên nhanh chóng chuẩn bị giấy tờ cần thiết để hoàn tất thủ tục, nếu không, hành vi cư trú không có đăng ký tạm trú có thể bị phạt lên đến hàng triệu đồng.
Kinh nghiệm cho sinh viên thuê nhà đối với “bên thuê”
Sinh viên trong “vai” người thuê, kinh nghiệm cho sinh viên thuê nhà chính là nên lựa chọn nhà có diện tích phù hợp, giá cả phải chăng, phù hợp cũng như thuận tiện cho quá trình học tập, sinh hoạt. Muốn đáp ứng những tiêu chí này, cần bỏ túi ngay một số kinh nghiệm khi thuê nhà nguyên căn như sau.
Khảo sát, tìm kiếm từ nhiều nguồn khác nhau
Số lượng nhà cho thuê hiện nay không ít nhưng nếu tìm dàn trải hoặc “ngẫu hứng” thì rất mất thời gian và khó tìm được nhà ưng ý. Các bạn nên tham khảo ở những trang cho thuê bất động sản uy tín, tốt nhất là những trang chuyên hướng đến đối tượng sinh viên, có độ tin cậy cao.
Ghi chú lại những ngôi nhà “tiềm năng”, sau đó đi thực tế để kiểm tra và trao đổi các vấn đề chi tiết hơn.
Hiện nay, nhiều tin đăng cho thuê nhà nguyên căn sẽ thông qua môi giới, điều này lợi cũng có mà hại cũng không ít, làm tăng nguy cơ lừa đảo cũng như phát sinh chi phí. Để tránh trường hợp này, bạn có thể tự mình chạy dạo quanh các khu vực mình mong muốn thuê. Những ngôi nhà nào cho thuê sẽ treo bảng phía trước hoặc bằng cách hỏi người dân sinh sống xung quanh, chắc chắn sẽ có nhiều thông tin hữu ích. Tìm hiểu thực tế dù khá tốn thời gian nhưng độ chính xác về căn nhà lại cao hơn.
Bạn cần biết rõ:
- Tìm thuê được một căn nhà ở trung tâm, diện tích rộng, khang trang, giao thông thuận tiện cho việc đi lại thì luôn đi đôi với giá cả rất cao. Vì vậy, nếu bắt gặp một ngôi nhà “trong mơ” nhưng giá rẻ bất ngờ thì nên đặt nghi vấn. Rất có khả năng ngôi nhà có sắp bị giải tỏa hay đã bị nhượng quyền trái phép, hoặc cũng có thể là chiêu trò lừa đảo.
- Lưu ý rằng, thuê được nhà nguyên căn ở trung tâm với giá rẻ là cực kỳ khó và hiếm. Vì vậy, nên linh hoạt chuyển hướng sang các quận, huyện lân cận, trong khoảng cách di chuyển ở mức chấp nhận được, chắc chắn gia sẽ mềm hơn. Nên rõ ràng ngay từ đầu, tránh trường hợp thuê rồi lại đổi ý, dễ phát sinh chi phí gây tốn kém.
Diện tích nhà và số lượng người ở
Sinh viên thuê nhà, phần đa là ở theo nhóm để có lợi cho tài chính cũng như tận dụng diện tích nhà ở. Do đó, cần xác định có bao nhiêu người cùng ở với nhau, mức chi phí mong muốn là bao nhiêu, để tìm được căn nhà có diện tích phù hợp.
Sau khi tìm được nhà đủ rộng, phải xem xét thêm những vấn đề khác như khả năng phân phòng, bố trí các không gian ra sao, có đủ và hợp lý, khoa học hay không. Phải tính đến cả không gian dùng làm chỗ để xe, vì nếu ở lâu dài, việc phát sinh thêm phương tiện là hoàn toàn có khả năng.
Kiểm tra kỹ chất lượng nhà trước khi ký hợp đồng
Về cơ bản, bằng mắt thường sẽ rất khó để có thể đánh giá được 100% hiện trạng căn nhà. Tuy nhiên, đây là vẫn là công đoạn không nên bỏ qua trước khi quyết định thuê nhà nguyên căn vì đây sẽ là nơi bạn gắn bó trong thời gian dài.
- Kiểm tra từ tổng quát đến chi tiết, bao gồm: phần sơn tường, đường điện, ống nước, khối vách,… Để đạt tiêu chuẩn cơ bản, chỉ cần hạ tầng không nứt nẻ, bong tróc, ẩm mốc, xuống cấp ở mức trầm trọng.
- Cửa ra vào phải chắc chắn, có khóa (ổ khóa) an toàn, không gây âm thanh khó chịu mỗi khi sử dụng.
- Căn nhà cần có độ thông thoáng vừa phải; không quá kín gây khó chịu mùa hè, cũng không nên quá hở sẽ gây lạnh vào mùa đông.
- Xem xét thêm có chỗ để xe hay không, nếu có thì đảm bảo an toàn và thuận tiện sinh hoạt không.
- Đối với nhà có cầu thang, cần chắc chắn phần lan can, bậc cầu thang kiên cố.
- Nền nhà cao hơn hay thấp hơn mặt đường? Nền nhà thấp hơn rất có thể sẽ có nguy cơ ngập trước (nên tham khảo tình trạng triều cường ở khu vực)
- Nhà vệ sinh có sạch sẽ không, hệ thống thoát nước có tốt không. Số lượng nhà vệ sinh có phù hợp với số lượng người ở hay không.
- Nước sinh hoạt cần sạch và ổn định. Nếu có vị hay mùi lạ thì cần lưu ý.
- Các thiết bị nội thất (nếu có) trong nhà có hư hỏng không, nếu hư thì yêu cầu chủ nhà tiến hành sửa chữa trước khi bàn giao nhà.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm làm hợp đồng cho thuê nhà
Tham khảo thêm một vài mẹo phong thủy
Nhiều quan điểm cho rằng nhà thuê thì không cần cầu kỳ, đặc biệt các bạn sinh viên lại càng hiếm khi để ý. Tuy nhiên, ông bà ta đã có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nếu biết và ứng dụng một số nguyên tắc trong phong thủy sẽ giúp hạn chế được nguồn năng lượng xấu. Đặc biệt, với môi trường ở ghép đông người sẽ ngăn cản bớt sự xung đột không đáng có.
- Xông nhà, tẩy uế khi vào nhà mới để loại bỏ những luồng khí không tốt, thu hút tài vận
- Sau khi hợp đồng thuê nhà, có thể xem ngày tốt để chuyển nhà mới.
- Làm thủ tục nhập trạch (nếu tiện) khi chuyển vào nhà mới là một thủ tục quan trọng không nên bỏ qua.
Ngoài ra, tương tự như các giao dịch dân sự khác, khi thuê nhà, các bạn sinh viên cũng nên tìm hiểu trước về vấn đề pháp lý liên quan như đặt cọc, phạt vi phạm hợp đồng, hợp đồng thuê nhà,... để tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Với những chủ nhà, phụ huynh hoặc các bạn sinh viên đang trong quá trình tìm thuê, đừng bỏ qua kinh nghiệm cho sinh viên thuê nhà được đúc kết từ thực tiễn kể trên. Hy vọng với các bí quyết này sẽ giúp đôi bên đạt được thỏa thuận và lợi ích tốt nhất khi giao dịch.
Nguồn: Trần Anh Group
Xem thêm: