Top 8 Giải pháp chống nóng cho nhà đơn giản, hữu hiệu nhất
Bài viết tổng hợp tất tần tật những cách chống nóng cho nhà hiệu quả nhất, bao gồm những giải pháp tức thì và cả những giải pháp lâu dài.
Việc nhà bị nóng không chỉ quyết định đến tâm trạng mà còn là yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Các nghiên cứu đã chỉ ra giữa tăng sinh nhiệt và sức khỏe của con người có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi cơ thể bị tăng sinh nhiệt sẽ khiến quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể bị thay đổi. Cụ thể: hệ tuần hoàn, hệ tâm thần kinh, hệ cơ xương khớp sẽ là những bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhẹ thì bị say nhiệt, hoa mắt, chóng mặt, kém tập trung,...; nặng thì thì ngất xỉu, yếu cơ, hôn mê và thậm chí đột tử. Do vậy, chống nóng cho nhà là việc bạn bắt buộc phải làm ngay để bảo vệ môi trường sống của gia đình, và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.
Xem thêm:
1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến nhà bị nóng
Biết được nguyên nhân sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được cách khắc phục hơn. Ngoài lý do thời tiết thì còn rất nhiều các lý do khác khiến nhà của bạn nóng hơn so với nhà khác ở cùng một khu vực. Theo đó, dưới đây là một số lý do được cho là nguyên nhân khiến nhà bị nóng:
- Đất chật người đông khiến cho gió không thể hoặc khó có thể lưu thông đến ngôi nhà của bạn;
- Do vật liệu xây dựng (mái tôn, mái bằng bê tông) có khả năng hấp thụ nhiệt cao;
- Trong nhà bố trí quá nhiều vật dụng, thiết bị tỏa nhiệt, rèm cửa, bàn ghế bằng nệm,... là những thứ tỏa nhiệt, tăng nhiệt độ cho ngôi nhà;
- Nhà có quá nhiều đồ đạc gây cảm giác chật chội, bí bách, gió không thể lưu thông vào;
- Trong quá trình xây dựng nhà đã không thực hiện tốt việc cách nhiệt cho mái, tường,...;
- Nhà xây quá kín mít, có quá ít cửa sổ, cửa quá nhỏ hoặc không có nơi thông gió;
- Nhà được xây theo hướng Tây - hướng mặt trời lặn, được cho là sẽ khiến ngôi nhà có nhiệt độ cao hơn, ánh nắng chiếu thẳng vào bên trong nhà gây nóng bức và ngột ngạt
2. Tất tần tật giải pháp chống nóng cho nhà
2.1. Giải pháp tạm thời
Những giải pháp này bạn có thể áp dụng bất cứ lúc nào khi cảm thấy nhà bị nóng. Tuy nhiên hiệu quả chỉ có khi bạn thực hiện, nếu bạn ngưng thực hiện thì nhà vẫn sẽ bị nóng như thường. Cụ thể:
- Mở cửa phòng thường xuyên: Nhiều người nghĩ rằng khi đóng cửa thì không khí nóng không thể đi vào nhà, nhờ vậy nhà sẽ mát hơn, tuy nhiên không phải. Ngay cả khi trời nắng thì bên ngoài vẫn có luồng gió tự nhiên, nếu bạn đóng cửa thì gió không thể đi vào trong nhà được, khiến nhà bí bách và ngột ngạt hơn. Bạn chỉ nên đóng cửa vào ban ngày, khi nhiệt độ bên ngoài cao, còn buổi sáng và buổi tối thì mở cửa để không khí được lưu thông vào nhà.
- Sử dụng rèm cửa để chống nắng: Rèm là trợ thủ chống nắng vô cùng hiệu quả với khả năng ngăn chặn 30% lượng nhiệt không mong muốn từ cửa sổ đi vào nhà. Tuy nhiên bạn chỉ nên kéo rèm vào buổi ngày khi nhiệt độ lên cao, còn lại thời gian khác nên kéo rèm ra để nhà được thông thoáng. Màu sắc của rèm cũng quyết định đến khả năng chống nắng, theo đó rèm màu sáng để ngăn hiện tượng giữ nhiệt.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện: Các thiết bị điện này không chỉ gây tốn điện mà còn là “thủ phạm” khiến căn nhà của bạn nóng hơn vì tất cả chúng đều có khả năng tỏa nhiệt. Vì vậy, thay vì cùng một lúc sử dụng quá nhiều thiết bị điện, bạn hãy phân chia thời gian sử dụng sao cho hợp lý để lượng nhiệt tỏa ra vừa phải. Ngoài ra, thay vì sử dụng bóng đèn sợi đốt, bạn nên dùng đèn huỳnh quang compact vừa tiết kiệm điện năng vừa hạn chế lượng nhiệt tỏa ra.
- Sử dụng quạt, điều hòa đúng cách: Đối với quạt, bạn nên cho quạt quay thay vì đứng yên một chỗ sẽ giúp căn phòng thoáng đãng hơn, đồng thời điều chỉnh cánh quạt sao cho gờ trước của cánh quạt cao hơn để tạo gió và lưu thông không khí. Đối với điều hòa, khi nhiệt độ phòng đã dịu lại thì nên chỉnh nhiệt độ ở mức khoảng 25 - 26 độ C để vừa tiết kiệm điện năng vừa bảo vệ sức khỏe, lại vừa giúp phòng thoáng mát vừa đủ.
- Phun sương: Sử dụng hệ thống phun sương sẽ giúp ngôi nhà của bạn giảm ít nhất 10% so với nhiệt độ bên ngoài. Hơn nữa còn tiết kiệm đến 90% điện năng so với điều hòa, trong khí đó khả năng làm mát có thể lên đến cả trăm mét vuông. Đây còn là cách bảo vệ sức khỏe của con người vào những ngày nắng nóng khi mà cản được không khí ô nhiễm, bụi và vi sinh vật.
- Tưới nước lên mái nhà: Mái nhà là nơi trực tiếp tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì vậy khi trời nắng nóng thì mái nhà là nơi hấp nhiệt đầu tiên và khiến toàn bộ căn nhà trở nên nóng nực. Giải pháp tức thì bạn có thể áp dụng chính là tưới nước trực tiếp lên mái nhà để làm giảm nhiệt độ của mái. Bạn nên sử dụng hệ thống tưới nước bằng ống nhựa PVC được lắp sẵn trên mái nhà, cùng với máy bơm tăng áp đẩy nước qua ống, dùng vòi phun xoay bắn tia nước lên bề mặt mái để tưới nước đều khắp nơi.
Đánh giá: Các cách nói trên chỉ mang đến hiệu quả tức thì chứ không có tính lâu dài. Hơn nữa khả năng chống nóng không được đánh giá cao, chỉ có thể làm giảm nóng chứ khó có thể làm mát. Bạn cần tìm đến các biện pháp có tính lâu dài và hiệu quả hơn. Đó là các giải pháp được nhắc đến ở phần nội dung sau đây.
2.2. Giải pháp lâu dài
Đối với nhà đã xây
Nhà đã xây khó có thể thay đổi vật liệu, thiết kế và kết cấu ban đầu, nhưng bạn vẫn có thể chống nóng cho nhà bằng các cách sau đây:
- Bạt che nắng: Ở các vị trí như hiên nhà, ban công bạn có thể lắp đặt bạt để che nắng, che mưa và giảm nhiệt độ cho ngôi nhà. Đây là những vị trí tiếp xúc trực tiếp với nắng, đón nhiệt độ vào nhà nên nếu được che chắn thì căn nhà sẽ được mát hơn. Ngày nay, bạt được cải tiến về chất liệu, cấu tạo nên ngoài chức năng che nắng mưa thì bạt còn có khả năng giữ thông thoáng cho không gian, mang đến sự thoải mái và dễ chịu.
- Trồng nhiều cây xanh: Dù diện tích chật chội hay rộng rãi thì bạn cũng nên trồng cây xanh xung quanh nhà. Sự có mặt của cây xanh không chỉ chống nóng hiệu quả mà còn mang đến nguồn không khí trong lành, tốt cho sức khỏe con người. Nếu diện tích chật, bạn nên trồng các loại cây thân leo như hoa giấy, cát đằng, tử đằng,... Nếu diện tích rộng thì bạn nên trồng nhiều cây, ưu tiên các loại cây tán lá rộng và lớp lá dày. Nếu nhà ở hướng Tây thì trồng cây xanh là một trong những cách chống nóng tốt nhất mà bạn không thể bỏ qua.
- Sơn chống nóng: Không chỉ có công dụng làm đẹp và bảo vệ tường, sơn nhà hiện nay còn có khả năng chống nóng vô cùng hữu hiệu. Bạn có thể sơn 2 - 3 lớp trên tường, hoặc cũng có thể sơn thêm cả phần mái. Đặc biệt nếu là mái tôn thì việc phun sơn không chỉ chống nóng mà còn tăng vẻ đẹp cho ngôi nhà. Sau khi sơn xong, nhiệt độ bên trong nhà sẽ giảm được từ 3 - 6 độ so với nhiệt độ bên ngoài trời.
- Tôn chống nóng: Không chỉ chống nóng cho nhà ở, với khả năng chống nóng, cách âm và cách nhiệt tuyệt vời nên tôn chống nóng hiện nay được sử dụng rộng rãi trong các công trình có quy mô lớn. Tôn được cấu tạo dạng sóng, đồng thời cán thêm lớp PU nên giúp giữ nhiệt độ ổn định trong nhà và hạn chế tối đa sự hấp thụ nhiệt của mái. Tuy nhiên, tôn chống nóng có giá thành khá cao nên bạn có thể cân nhắc khi sử dụng.
Đối với nhà chưa xây
Đối với nhà chưa xây thì bên cạnh các giải pháp nói trên thì bạn nên áp dụng ngay từ đầu các biện pháp chống nóng sau:
- Gạch chống nóng: Gạch chống nóng hay còn gọi là gạch cách nhiệt, gạch mát, gạch giảm nhiệt, là một trong những giải pháp giúp làm mát ngôi nhà hữu hiệu trong thời tiết nắng nóng. Gạch được tạo từ 3 lớp gồm mặt lõi PU ở giữa là 2 lớp xi măng ở 2 mặt sản phẩm. Gạch có thể sử dụng cho tường, trần, nền, sân thượng hoặc vách ngăn, tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn chọn loại gạch phù hợp. Không chỉ chống nóng mà gạch còn có khả năng chống thấm, chống cháy rất tốt, vì vậy hiện nay nó rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
- Vật liệu chống nóng khác: Túi khí cách nhiệt, tấm cách nhiệt, bông thủy tinh, xốp PU cách nhiệt, thạch cao tấm, tôn chống nóng... là những vật liệu chống nóng phổ biến mà bạn có thể tham khảo thêm và áp dụng.
- Tường 2 lớp: Thông thường các ngôi nhà chỉ được xây 1 lớp (tường đơn) để tiết kiệm chi phí, diện tích và hạn chế áp tải trọng lên công trình. Tuy nhiên đối với những ngôi nhà ở khu vực nhiệt độ khắc nghiệt hoặc nhà ở hướng Tây bị nắng chiếu trực tiếp nên phải xây dựng tường 2 lớp mới có thể chống nóng. Như tên gọi của nó, tường 2 lớp tức là có 1 lớp trong và 1 lớp ngoài, chúng được ngăn cách với nhau bởi độ dày khoảng 100mm. Chính khoảng cách này sẽ làm chậm quá trình truyền nhiệt, đồng thời giúp không khí được lưu thông. Nhờ vậy mà bên trong nhà sẽ trở nên mát mẻ, thoáng đãng hơn.
- Xây dựng giếng trời: Giếng trời là khu vực cung cấp ánh sáng và không khí cho căn nhà, giúp nhà trở nên trong lành, thoải mái hơn. Tuy nhiên, giếng trời là nơi đón nắng đồng thời cũng là nơi đón nóng, nên để giếng trời phát huy hết công dụng của mình thì bạn nên chống nóng cho giếng trời bằng các giải pháp như: sử dụng bạt, trồng cây xanh ở khu vực giếng trời, sử dụng film cách nhiệt, kính phản quang,... Giếng trời là khu vực liên quan đến phong thủy nhà ở, vì vậy khi xây dựng và thiết kế bạn nên hỏi ý kiến của chuyên gia để bố trí cho hài hòa, hợp phong thủy.
- Bố trí nhiều cửa sổ: Dù phòng có diện tích nhỏ hay lớn thì mỗi phòng bạn nên thiết kế 2 cửa sổ đối diện nhau để thông gió. Tùy vị trí và diện tích mà bạn thiết kế cửa sổ với kích thước lớn hoặc nhỏ. Nếu diện tích nhà rộng thì nên thiết kế cửa sổ cao và ngược lại. Khi sử dụng cửa sổ thì bạn cần tuân thủ nguyên tắc: mở cửa khi nhiệt độ ngoài trời thấp và đóng cửa khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao.
- Lắp đặt quạt thông gió trong nhà: Mặc dù không phải là quạt làm mát trực tiếp cho con người nhưng quạt thông gió lại có vai trò làm mát cho ngôi nhà đáng kể. Quạt được cấu tạo với motor quay ngược hướng giúp hút không khí ra bên ngoài, nhờ vậy những khí nóng có trong căn nhà sẽ được “thổi bay” khi bạn bật quạt thông gió.
- Sử dụng logia thay cho ban công: Logia hay ban công là những khu vực rất được ưa chuộng tại thành phố, vì đây là nơi đón nắng gió và nguồn năng lượng tự nhiên cho căn nhà. Tuy nhiên đối với các căn nhà ở khu vực nắng nóng thì các chuyên gia rằng nên thiết kế logia thay vì ban công sẽ giúp căn nhà bớt nóng hơn. Logia có lớp trần ở trên che chắn nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, trong khi ban công nhô ra ngoài trời, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng nên sẽ khiến căn nhà nóng hơn.
- Lựa chọn màu sắc và vật liệu nội thất phù hợp: Màu sắc không chỉ là yếu tố giúp căn nhà xinh đẹp, độc đáo, mà nó còn điều chỉnh không gian và có khả năng chống nóng vô cùng hữu hiệu. Theo đó, bạn nên chọn những tông màu nhạt cho tường nhà và đồ nội thất để giảm hấp thụ nhiệt. Đặc biệt, những tông màu gần gũi với thiên nhiên như màu đất, màu xanh rêu,... nên được ưu tiên sử dụng cho những ngôi nhà nằm ở khu vực nắng nóng. Ở những vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng thì nên chọn màu lạnh (như xanh ngọc, trắng xanh,...) để tạo cảm giác dễ chịu, mát mẻ hơn. Nội thất sử dụng nên có nguồn gốc từ tự nhiên như gỗ, đá, đất nung,... thì sẽ hỗ trợ thẩm thấu, bay hơi, đồng thời tạo ra cảm giác mát hơn cho căn nhà.
Đánh giá: Các biện pháp lâu dài mang đến hiệu quả chống nóng cao hơn nhưng đòi hỏi bạn phải thực hiện ngay từ đầu trước khi xây dựng. Xây nhà là việc làm trọng đại, do vậy bên cạnh việc bố trí công năng, xây nhà bền đẹp thì bạn nên lưu ý đến các vấn đề như chống nóng, chống ẩm,... Nếu không có kinh nghiệm, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia để xây dựng một ngôi nhà hoàn hảo ngay từ đầu. Chống nóng hay bất cứ công việc nào khác, thực hiện ngay từ đầu luôn dễ dàng và hiệu quả hơn so với việc khắc phục sau này.
2.3. Giải pháp cho từng khu vực cụ thể
Chống nóng cho mái nhà
Mái nhà là nơi tiếp nhận ánh nắng trực tiếp từ mặt trời, là nguyên nhân chính gây nóng cho ngôi nhà. Bạn chỉ cần chống nóng tốt cho mái nhà là đã giải quyết được việc chống nóng cho nhà lên đến 50%. Cụ thể, dưới đây là các cách chống nóng cho mái:
- Nếu là mái bằng: nên làm thành hồ nước hoặc vườn cây;
- Nếu là mái tôn: dùng tôn có lớp xốp cách nhiệt, thông gió hoặc dùng loại tôn cách nhiệt;
- Màu sắc của mái: nên chọn màu nhạt để giảm hấp thụ nhiệt (màu tối sẽ bắt nhiệt nhanh hơn);
- Trồng cây dây leo lên mái nhà;
- Sử dụng lưới che nắng cho mái;
- …
Chống nóng cho tường nhà
Tường cũng giống như mái, là nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nên cần có các biện pháp hữu hiệu để chống nóng. Cụ thể, những cách bạn có thể áp dụng đó là:
- Xây tường dày lên hoặc xây tường 2 lớp;
- Lắp đặt mái hiên cho tường tại những khu vực tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng ở hướng Nam và hướng Tây;
- Sử dụng sơn cách nhiệt, sơn chống nóng, gạch mát chuyên dụng;
- Sử dụng túi khí cách nhiệt dán cố định trực tiếp lên tường;
- Dùng tấm ốp tường để chống nóng bằng cách sản phẩm như: tấm ốp tường bằng gỗ, tấm cách nhiệt, tấm panel chống nóng, xốp 3D cách nhiệt,...;
- Phun foam PU để cách âm và cách nhiệt (thường được dùng cho các phòng hát karaoke);
- Sử dụng tường gạch cao để cách nhiệt, giảm sức nóng, đồng thời tiết kiệm điện năng;
- ...
Chống nóng xung quanh nhà
Xung quanh nhà cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà nóng hơn, và bạn có thể khắc phục bằng cách:
- Đối với diện tích rộng thì nên trồng cây xanh, đối với diện tích chật hẹp ở đô thị thì nên trồng hoặc treo các loại chậu hoa, cây dây leo,...;
- Thay vì đổ bê tông xung quanh nhà cho sạch sẽ thì bạn trồng cỏ hoặc các thảm cỏ để giảm sự tích lũy nóng và phản chiếu độ nóng hắt từ khu vực này vào nhà;
- ….
Chống nóng cho bên trong nhà
Bằng các giải pháp đã nói ở phần 2.1 và 2.2 của bài viết. Cộng thêm các cách sau đây:
- Luôn giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng (vì “nhà sạch thì mát”);
- Hạn chế nấu nướng vào giờ cao điểm nắng nóng;
- Sử dụng các loại nệm có độ thông thoáng khí tốt như nệm lò xo, foam,...;
- Sử dụng thêm máy hút trong nhà, lắp thêm thiết bị hút khí nóng;
- Thanh lý đồ vật không còn sử dụng đến;
- …
Không gian sống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm trạng của bạn, vì vậy đừng bỏ qua việc chống nóng để giúp không gian mát mẻ, dễ chịu hơn, đời sống nhờ vậy mà vui vẻ, thoải mái hơn. Bên cạnh các cách chống nóng cho nhà nói trên thì bạn nên kết hợp chống nóng cho bản thân bằng cách: Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và vitamin, mặc trang phục sáng màu, bôi kem chống nắng, tập luyện thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe,...
Chống nóng cho nhà hướng tây
Hướng tây là hướng đón nắng lúc mặt trời lặn, vì vậy khả năng hấp thụ nhiệt rất cao. Vào mùa hè, nhà hướng tây sẽ phải hứng chịu cái nắng gay gắt khiến cho nhiệt độ bên trong nhà tăng cao, gây sự khó chịu cho con người và khiến đồ dùng nhanh hư hại. Vì vậy khi xây nhà hướng tây thì phải tìm các giải pháp để chống nóng cho nhà. Cụ thể:
- Đối với mặt trong tường nhà: sử dụng sơn chống nóng, ốp gỗ tạo khe cách nhiệt, sử dụng tấm ốp PU, gạch chống nóng,...;
- Đối với mặt ngoài tường nhà: ngoài sơn chống nóng thì sử dụng vật liệu siêu nhẹ và có tác dụng cách nhiệt ví dụ như gỗ ốp ngoài trời;
- Đối với cửa: nên làm cửa gỗ loại 2 lớp, hạn chế sử dụng cửa nhôm thay vào đó là kính cách nhiệt;
- Các biện pháp khác đã được nhắc đến ở phần 2.1 và 2.2 của bài viết.
Như vậy, chống nóng cho nhà là việc làm nên được thực hiện ngay từ khi bắt đầu xây dựng thì mới đạt hiệu quả cao. Nếu sau khi nhà đã hoàn thiện mới nghĩ đến việc chống nóng thì hiệu quả thấp hơn, gây tốn kém hơn và tốn nhiều thời gian thực hiện. Hy vọng bài viết đã giúp bạn tìm được giải pháp để giảm nhiệt độ cho căn nhà, xua tan sự nóng bức và khó chịu.