Quy hoạch vùng TP.HCM chính thức thành hình
Đòn bẩy liên kết vùng
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ đóng vai trò là trung tâm thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao, trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực.
Để làm được điều này, Bộ Xây dựng đã công bố phạm vi liên kết giữa 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tất cả tạo ra một trục hành lang kinh tế trọng điểm, đó là trục hành lang Đông Nam dọc Quốc lộ 51, gồm chuỗi đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu là cực tăng trưởng.
Trục hành lang phía Đông dọc Quốc lộ 51 gồm chuỗi các đô thị Dầu Giây, Long Khánh, Giá Ray (tỉnh Đồng Nai), trong đó đô thị Long Khánh là cực tăng trưởng. Trục hành lang phía Bắc dọc Quốc lộ 13 gồm chuỗi đô thị Bầu Bàng (Bình Dương), Chơn Thành, Bình Long, Hoa Lư - Lộc Ninh, Đồng Xoài (Bình Phước), trong đó Chơn Thành là cực tăng trưởng.
Trục hành lang phía Tây Nam dọc Quốc lộ 22, Quốc lộ 22B gồm các đô thị Trảng Bàng, Phước Đông - Bời Lời, Gò Dầu, Mộc Bài - Bến Cầu, Hoa Thành, Tây Ninh, Tân Biên, Xa Mát (Tây Ninh). Trong đó, đô thị Trảng Bàng - Gò Dầu là cực tăng trưởng.
Đối với trục hành lang phía Tây Nam dọc Quốc lộ 1 là các đô thị Bến Lức, Tân An (Long An), Mỹ Tho, Cai Lậy (Tiền Giang). Ở đây, TP. Tân An - TP. Mỹ Tho là cực tăng trưởng.
Ngoài ra, sẽ có những tiểu vùng làm điểm nhấn cho phát triển kinh tế. Trong đó, TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong các vùng cùng phát triển. Là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia…
Tỉnh Bình Dương sẽ quy hoạch phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ - tài chính gắn với các trung tâm đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm TP.HCM. Khu vực phía Tây tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao. Khu vực phía Đông tỉnh Long An sẽ phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu…
Như vậy, TP.HCM sẽ là đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình đa cực gồm khu vực trung tâm với 4 cực phát triển được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ không được phát triển đô thị tại các khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái tại huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, Củ Chi…
Cơ hội thu hút vốn đầu tư
Theo các chuyên gia quy hoạch, với quy hoạch vùng theo hướng tập trung đa cực, TP.HCM là trung tâm còn 7 tỉnh, thành phố khác là đô thị vệ tinh sẽ tạo cho TP.HCM đà bứt phá trong việc phát triển đô thị thông minh.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, trước đây, một điểm khó trong quy hoạch giữa TP.HCM và các tỉnh vệ tinh đó là có quá nhiều điểm chung. Đơn cử như các tỉnh đều có khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng như nhau, có cảng sông, hệ thống giao thông đường bộ…
Vì tất cả đều giống nhau nên sự tập trung phát triển thế mạnh của mỗi tỉnh không có. Nhưng giờ đây, Quy hoạch đã quy định rõ ràng về việc phát triển của từng vùng, điều này sẽ giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước dễ dàng ra quyết định đầu tư và chính các tỉnh cũng có thế mạnh riêng của mình để phát triển.
“Đồ án đã có sự phân công hợp lý, phù hợp thế mạnh của từng địa phương trong vùng. Với quy hoạch này, TP.HCM sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ về các tỉnh, thành phố trong vùng để hợp tác đầu tư đồng bộ khép kín các trục đường giao thông vành đai tạo điều kiện phát triển đồng bộ các vùng đô thị”, ông Tuyến nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, tại quy hoạch này, Bộ Xây dựng tính toán tới năm 2030, dân số TP.HCM đạt khoảng 18 - 19 triệu người. Kèm theo đó là việc TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế, phát triển theo trục trung tâm, trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế… Quy hoạch này sẽ là lực đẩy lớn để TP.HCM hút dòng vốn ngoại.