Long An thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế năm 2018
Theo đó, Long An tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu kinh tế của tỉnh và tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Theo dõi, thông tin kịp thời về thời tiết, khí hậu, thủy văn; chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, phát triển mạnh sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông; chú trọng duy trì và phát triển các sản phẩm có khả năng tăng trưởng. Tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp đang thực hiện cánh đồng lớn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ thị trường vật tư nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo kế hoạch.
Tỉnh cũng phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười; xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức và nông dân thực hiện tốt quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu và duy trì tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, kiên quyết xử lý các cụm công nghiệp chậm hoặc không triển khai thực hiện; lựa chọn nhà đầu tư thật sự có năng lực để đầu tư các cụm công nghiệp mới, đã được quy hoạch.
Ngoài ra, Long An tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 gắn với thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số về cải cách hành chính....
Cũng theo ông Trần Văn Cần, 6 tháng đầu năm 2018 dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, cần khắc phục.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, còn khó khăn; thu hút đầu tư còn thấp; sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn khó khăn, doanh nghiệp giải thể và tạm dừng tăng cao so với cùng kỳ; dự án đầu tư chậm triển khai thực hiện; nhiều dự án đầu tư không thể tiếp nhận đầu tư do chưa có quy hoạch đất đai phù hợp; công tác lập dự án quy hoạch xây dựng, kể cả điều chỉnh quy hoạch thực hiện chậm.
Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại và khuyến công chưa thực hiện và triển khai nhiều. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp. Đầu tư công tiến độ ở một số chủ đầu tư còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác đấu thầu xây dựng, mua sắm còn hạn chế, chất lượng chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng khiếu nại kéo dài, chưa xử lý dứt điểm.
Từ đầu năm đến nay, tổng sản phẩm (GRDP) Long An đạt khoảng 37.416 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng trưởng đạt 10,96%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng 5,12%; trong đó, nông nghiệp tăng 5,4%, lâm nghiệp giảm 0,69% và thủy sản tăng 5,92%, thương mại dịch vụ phát triển tốt, đạt mức tăng trưởng khá cao, 9,12%, trong đó thương mại tăng 9,14%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước 6 tháng là 7.340 tỷ đồng, đạt 57,1% dự toán giao, bằng 120,7% so với cùng kỳ.